Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đảm bảo sản xuất để “trường kỳ kháng chiến” với dịch bệnh

Thiên Đức - 17:10, 10/06/2021

Tình hình dịch bệnh Covid 19 còn diễn biến kéo dài và phức tạp, nhất là trong các khu công nghiệp nơi tập trung đông người lao động. Do đó, thời gian qua, các nhà máy, xí nghiệp đã lên phương án vừa đảm bảo sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh.

Công nhân ở Bắc Giang trở lại nhà máy làm việc phải đảm bảo giãn cách an toàn
Công nhân ở Bắc Giang trở lại nhà máy làm việc phải đảm bảo giãn cách an toàn

Sản xuất thời Covid

Anh Nông Văn Lượng, dân tộc Tày quê ở Tuyên Quang, hiện đang làm công nhân cho một nhà máy ở Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau một thời gian dài ở nhà trọ, anh cảm thấy rất lo lắng. Hơn nữa do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên anh cũng không thể về quê vào thời điểm này. Thế nhưng từ 2/6 đến nay, anh đã được quay trở lại công ty làm việc.

Anh Lượng chia sẻ, anh vốn lao động xa nhà, việc ở lại công ty cũng không thấy khó khăn gì. Điều kiện ăn ở vệ sinh của công ty cũng rất tốt, anh có thể yên tâm vừa lao động vừa không sợ lây lan dịch bệnh.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, nơi đây là trung tâm sản xuất công nghiệp của miền Bắc, nơi thu hút hơn 1.100 doanh nghiệp, với hơn 320.000 lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm 75% nên việc đi lại giữa các địa phương rất lớn và khó kiểm soát. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc triển khai cho người lao động ăn ở và làm việc tại nhà máy, là giải pháp duy nhất "không có tiền lệ" nhưng rất phù hợp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cũng đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên túc trực 24/24 giờ để lắng nghe, giải đáp các thắc mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Mọi giao dịch với các doanh nghiệp đều được triển khai theo hình thức trực tuyến, nhằm giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn, khoảng cách theo quy định về phòng dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 500 doanh nghiệp ở Bắc Ninh hoàn thiện và gửi phương án, kế hoạch bố trí cho người lao động ăn, ở lại tại công ty.

Còn tại Bắc Giang, tâm dịch lớn nhất của cả nước, địa phương cũng đã dần tổ chức sản xuất trở lại. Theo thông tin từ tỉnh Băc Giang, đến nay (7/6) đã có 42 doanh nghiệp với 7.500 công nhân đi làm. Các doanh nghiệp này thuộc 4 KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng. Các công nhân cũng phải đảm bảo làm việc và ở lại công ty để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Chính phủ đồng hành cùng người lao động, doanh nghiệp

Theo thông tin từ các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, khi cuộc chiến chống dịch trên thế giới và tại Việt Nam chưa thể kết thúc sớm. Nhiều ngành kinh tế quan trọng, sẽ tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn và khó đoán định.

Nhân viên nhà bếp tiến hành vệ sinh khử khuẩn tại khu vực nhà ăn Công ty TNHH Fine MS Vina (KCN Quế Võ, Bắc Ninh)
Nhân viên nhà bếp tiến hành vệ sinh khử khuẩn tại khu vực nhà ăn Công ty TNHH Fine MS Vina (KCN Quế Võ, Bắc Ninh)

Còn theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Thế nhưng, một tín hiệu tích cực trong “làn sóng” dịch Covid-19 là, Chính phủ luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. 

Trong giai đoạn này, Chính phủ xác định, giải pháp xuyên suốt là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.W đánh giá, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của doanh nghiệp và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động. Trước thực trạng này, Chính phủ cần chuyển hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Thay vì hỗ trợ trực tiếp hay thanh khoản để cầm cự, như thời điểm một năm trước, thì Chính phủ cần xây dựng chính sách theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển.

Ông Trần Đình Cung cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng. Làm như vậy mới giúp nguồn lực không bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.

 Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phải là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để doanh nghiệp bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Có thể nói, tình hình dịch bệnh kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người lao động. Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với những nỗ lực và giải pháp hợp lý của Chính phủ nền sản xuất sẽ tiếp tục duy trì phát triển để “trường kỳ kháng chiến” với dịch bệnh.

(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.