Huyện Krông Ana có 2 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, trong đó lớp truyền dạy đánh chiêng Jhô của người Ê Đê Bih buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp dành cho 20 bé gái độ tuổi từ 6 - 12 tuổi. Còn lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại xã Drai Sáp dành cho 21 học viên nam, nữ độ tuổi từ 20 - 40 tuổi. Tại huyện Lắk, lớp truyền dạy đánh cồng chiêng được tổ chức tại buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi cho 20 học viên từ 15 - 25 tuổi, dân tộc Mnông.
Các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng diễn ra trong 2 tháng, do các nghệ nhân đội chiêng tại địa phương trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy. Trong thời gian theo học, các học viên được học cách diễn tấu các bài chiêng cơ bản.
Em H’Doanh Êban học viên lớp cồng chiêng Jhô, thị trấn Buôn Trấp chia sẻ: “Đã từ lâu cháu ao ước được sử dụng, biểu diễn cồng chiêng của dân tộc mình và góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Ê Đê Bih. Cháu sẽ tham gia đầy đủ các buổi học để tiếp thu trọn vẹn kiến thức, cũng như thực hành theo hướng dẫn của các Nghệ nhân”.
Phát biểu khải giảng các lớp truyền dạy đánh chiêng, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhấn mạnh: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại năm 2005.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Sở đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản cồng chiêng. Sở chủ động phối hợp với các địa phương mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp phát chiêng và trang phục truyền thống của các dân tộc tại chỗ cho các buôn. Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan mời nguồn lực hỗ trợ, tài trợ để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.