Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chung tay bảo tồn cồng chiêng

Thùy Dung - 12:15, 04/01/2021

Thời gian qua, nhiều làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các cấp, ngành của tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm giúp đồng bào các DTTS bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sau 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhiều hoạt động gắn với biểu diễn cồng chiêng nhằm giúp đồng bào Tây Nguyên duy trì và phát huy bản sắc dân tộc.
Nhiều hoạt động gắn với biểu diễn cồng chiêng nhằm giúp đồng bào Tây Nguyên duy trì và phát huy bản sắc dân tộc.

Buôn làng chung tay giữ gìn cồng chiêng

Gia Lai là một trong 5 tỉnh ở Tây Nguyên còn giữ gìn được rất nhiều bộ cồng chiêng. Nhiều năm qua, được sự quan tâm, động viên của các cấp chính quyền và xuất phát từ nhu cầu mong muốn bảo tồn cồng chiêng của người dân ở các làng đồng bào DTTS, theo đó nhiều làng đã thành lập các đội chiêng như đội chiêng làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro), đội chiêng làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang), đội chiêng làng Quen (xã Ia Me, huyện Chư Prông), đội chiêng buôn Broăi (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa)…Các đội chiêng này thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo, người Ba Na ở làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) là người tâm huyết với việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Ông biết đánh chiêng từ khi còn nhỏ, thuộc rất nhiều bài chiêng truyền thống và được coi là bậc thầy trong việc đánh chiêng, chỉnh chiêng. “Nhiều năm nay, nhằm giúp người dân địa phương và các xã lân cận giữ gìn tiếng chiêng truyền thống, tôi đã truyền dạy các bài chiêng cho nhiều thế hệ trong và ngoài làng. Tính đến nay, tôi có khoảng hơn 300 học trò”, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo cho biết thêm.

Còn ở làng O (xã Ia O, huyện Ia Grai), già làng Siu Rên là một trong những người còn giữ gìn được bộ chiêng quý có trị giá lên tới 300 triệu đồng. Già Siu Rên cho biết: Đối với người Gia Rai vùng này, cồng chiêng là một tài sản vô cùng giá trị, nó tượng trưng cho sự giàu có của một gia đình nên ai cũng phấn đấu mua về. Điều này không chỉ giúp người làng thêm yêu văn hóa truyền thống mà còn giúp bảo tồn cồng chiêng tốt hơn.

Đội chiêng của xã Glar, huyện Đăk Đoa trình diễn cồng chiêng tại Lễ Kỷ niệm 15 năm Ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại (25/11/2005- 25/11/2020).
Đội chiêng của xã Glar, huyện Đăk Đoa trình diễn cồng chiêng tại Lễ Kỷ niệm 15 năm Ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại (25/11/2005- 25/11/2020).

Vai trò “bà đỡ” của chính quyền các cấp

Những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của các cấp, chính quyền địa phương.

Nghệ nhân Ưu Tú A Lip (xã Glar, huyện Đăk Đoa) cho biết: Nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương mà đội chiêng của xã Glar được mời đi lưu diễn ở rất nhiều nơi. Điều này không chỉ giúp đồng bào thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc mà còn giúp chúng tôi đưa văn hóa của đồng bào mình đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân Ưu tú A Lip là một nhân tố điển hình trong việc truyền dạy và bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng tại huyện Đăk Đoa.
Nghệ nhân Ưu tú A Lip là một nhân tố điển hình trong việc truyền dạy và bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng tại huyện Đăk Đoa.

Nhằm thúc đẩy tình yêu văn hóa truyền thống của đông đảo đồng bào trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội diễn, hội thi, các ngày lễ văn hóa để thu hút người dân tham gia.

“Hàng năm, TP. Pleiku đã mua các bộ chiêng về tặng cho các làng để luyện tập, Phòng Dân tộc cũng đứng ra tổ chức các lớp truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ. Người truyền dạy là các nghệ nhân đánh chiêng, già làng, Người có uy tín trong làng nên thu hút được nhiều người theo học, đặc biệt các em nhỏ và thanh, thiếu niên”, ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hoá- Thông tin TP. Pleiku cho biết.

Tại Lễ Kỷ niệm 15 năm Ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại (25/11/2005- 25/11/2020) do tỉnh Gia Lai tổ chức tại TP. Pleiku mới đây, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kêu gọi các cấp, ngành cùng đồng lòng, dành sự quan tâm hơn nữa để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cũng cho biết, trong 15 năm qua, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các cam kết từ việc tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn đến việc vinh danh nghệ nhân cồng chiêng, đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học để tiếp tục duy trì, phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng.

Những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đều không thể thiếu không gian văn hóa cồng chiêng
Những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đều không thể thiếu không gian văn hóa cồng chiêng

Qua điều tra, thống kê sơ bộ tại 1.192 làng đồng bào dân tộc Gia Rai, Ba Na trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng. Trong đó dân tộc Gia Rai có 3.373 bộ, dân tộc Ba Na có 2.282 bộ và 932 bộ cồng chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh có 948/1.192 làng vẫn còn lưu giữ cồng chiêng, chiếm 79,5%; Ia Grai là huyện còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất tỉnh Gia Lai với 1.116 bộ, trong đó có 353 bộ cồng chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh có khoảng 900 nghệ nhân giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.