Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗ lực bảo tồn cồng chiêng ở Ia Pa

Hồng Minh - 13:16, 17/12/2020

Nếu đến Ia Pa, tỉnh Gia Lai vào tầm 5 năm trước, du khách sẽ chỉ được xem đánh chiêng vào những dịp lễ hội hay có sự kiện đặc biệt diễn ra. Nhưng giờ đây, âm thanh của chiêng đang dần vang vọng khắp các buôn, xã trên địa bàn huyện Ia Pa. Hàng nghìn người biết đánh chiêng, hàng trăm bộ cồng chiêng được lưu giữ… Kết quả đó chính là sự nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng của cộng đồng và chính quyền ở Ia Pa.

Nhóm nghệ nhân đến từ huyện Ia Pa biểu diễn cồng chiêng tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nhóm nghệ nhân đến từ huyện Ia Pa biểu diễn cồng chiêng tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ông Ksor Pup, buôn Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa cho biết, ông biết học đánh chiêng từ khi còn nhỏ. Cứ thế lớn lên, ông đã đánh thành thạo các loại chiêng và biết chỉnh chiêng. Do đó, ông Ksor Pup thường xuyên được mời cùng đội văn nghệ ở xã đi biểu diễn ở nhiều nơi. Tháng 6 vừa qua, ông cùng với nhóm nghệ nhân 14 người ở xã Ia Broăi, đã đến sinh sống cùng nhóm cộng đồng các dân tộc khác tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Gia Rai.

Còn ông Ksor Kot ở buôn Biah B, xã Ia Tul, là nghệ nhân đa tài với khả năng đan lát, chỉnh chiêng và tạc tượng. Năm 1984, ông là người trẻ nhất trong vùng biết chỉnh chiêng. Nhờ đó mà nhiều bộ chiêng quý ở địa phương bị hư hỏng đều được ông sửa miễn phí. Từ năm 1986 đến nay, ông nhận chỉnh chiêng tại các huyện trong và ngoài tỉnh. “Muốn học nghề truyền thống, ngoài đam mê, người trẻ còn phải rèn tính kiên trì, chịu khó quan sát, làm theo và biết đúc rút kinh nghiệm”, nghệ nhân Ksor Kot chia sẻ.

Không chỉ bảo tồn cồng chiêng từ những “hạt nhân” ở cơ sở, mà huyện Ia Pa còn đưa cồng chiêng vào trường học để truyền dạy cho học sinh. Tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Pa, đã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng với 30 thành viên.

Để thực hiện chương trình này, nhà trường đã phối hợp với Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Ia Pa và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai mời nghệ nhân Nay Phai về truyền dạy những kỹ năng, cách thức diễn tấu cồng, chiêng dùng trong dịp lễ hội cho các bạn học sinh. Đến nay, các thành viên trong CLB đã chơi thành thạo 5 bài diễn tấu. Điều đặc biệt của CLB cồng chiêng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Pa, đó là không chỉ các học sinh nam được học và biểu diễn mà các học sinh nữ cũng được truyền dạy đánh cồng chiêng.

Với những tín hiệu đáng mừng trên, cho thấy công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng ở huyện Ia Pa đang đi đúng hướng, đúng mục tiêu.

Năm 2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa ban hành Đề án 02 về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào tại chỗ, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vững mạnh giai đoạn 2013-2020”.

Công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Ia Pa đang có nhiều kết quả tích cực
Công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Ia Pa đang có nhiều kết quả tích cực

Nếu như năm 2014, toàn huyện chỉ có 3/9 xã có nhà văn hóa thì đến nay, 100% số xã có nhà văn hóa; tỷ lệ thôn, làng văn hóa, hộ gia đình văn hóa tăng 50 - 60% so với năm bắt đầu thực hiện Đề án. Toàn huyện có khoảng 100 bộ cồng chiêng, hơn 1.000 người biết đánh chiêng, 1 nghệ nhân ưu tú chỉnh chiêng, 75 người biết tạc tượng, hơn 100 người biết hát dân ca, kể sử thi; nghề đan lát truyền thống được lưu truyền. Huyện đã mở 7 lớp truyền dạy cồng chiêng, đàn t'rưng cho hơn 200 học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.

Theo ông Phạm Văn Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ia Pa, qua 5 năm thực hiện, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ đạt được những kết quả quan trọng, vun đắp thêm đời sống tinh thần của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy giao UBND huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với Đề án 02 nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào tại chỗ một cách bền vững, hiệu quả.

 “Huyện xác định phải biến nét văn hóa truyền thống thành sản phẩm du lịch, từ đó hình thành và phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dựa vào sản phẩm văn hóa thì văn hóa truyền thống của dân tộc mới trường tồn”, ông Đức nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.