Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chiêng ba - Giá trị riêng có của đồng bào Hrê

Thành Nhân - 14:31, 13/05/2022

Người Hrê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), có nghệ thuật trình diễn chiêng ba độc đáo, đậm bản sắc riêng. Nếu ai đã đến vùng đất này mà chưa được thưởng thức nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, thì quả thật đáng tiếc.

Các nghệ nhân Hrê huyện Ba Tơ trình diễn chiêng Ba trong Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên lần III, năm 2022
Các nghệ nhân Hrê huyện Ba Tơ trình diễn chiêng ba tại Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên lần III, năm 2022

Nhạc cụ độc đáo

Người Hrê sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, chỉ có người Hrê ở huyện Ba Tơ, mới biết trình diễn chiêng ba và trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Hiện nay, ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều duy trì được nghệ thuật trình diễn chiêng ba, tiêu biểu nhất là ở xã Ba Vinh.

Theo quan niệm của người Hrê, chiêng là vật thiêng. Họ không sử dụng chiêng trong đám tang. Những người trong năm gặp rủi ro, thì không được đánh chiêng trong những ngày vui của dân làng. Nếu được mời đánh chiêng, họ cũng từ chối... Khi sử dụng chiêng phải thực hiện nhiều nghi thức tín ngưỡng, đặc biệt là nghi thức cúng chiêng.

Nghệ nhân Phạm Văn Sự cho biết: Chiêng ba là nhạc cụ phổ biến nhất của người Hrê, gồm ba chiếc chiêng, có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh vông hay chinh cha; chiếc nhỏ hơn là chinh tum hay chinh mẹ; chiếc nhỏ nhất là chinh túc hay là chinh con.

Khi trình diễn, chinh vông được để nghiêng, chinh tum để nằm, chinh túc treo trên dây. Khi đánh thì chinh tum đóng vai trò giữ nhịp, chinh vông và chinh túc theo giai điệu. Chinh cha và chinh mẹ đánh bằng nắm tay trần, chinh con đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chinh túc, dẫn dàn chinh diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp.

Không giống như diễn tấu cồng chiêng của các dân tộc khác, người Hrê ở Ba Tơ có cách trình diễn rất riêng. Nghệ nhân ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển. Nơi diễn tấu thường là đầu tra - gian khách phía trước của nhà sàn.

Người Hrê có bốn điệu chinh cơ bản, là chinh năng, chinh K’oa, chinh H’lay và chinh Tuguốc. Chinh năng là điệu chinh phổ biến, nghe vui nhộn, thúc giục và trữ tình. Chinh K’oa là điệu chinh mô phỏng âm thanh của tiếng ếch, nhái kêu, rất khó diễn tấu bởi sự tinh tế, như thể hiện tiếng lòng của người Hrê mong chờ những cơn mưa mang lại màu xanh tươi của núi rừng.

Chinh H’lay là điệu chinh mô phỏng âm thanh của thác đổ, nước suối chảy. Chinh Tuguốc là điệu chinh mô phỏng tiếng hót của một loài chim Tuguốc, rất gần gũi và thân thương với người Hrê.

Ánh mắt của Đinh Văn Sây như nhập hồn vào tiếng chiêng Ba
Ánh mắt của Đinh Văn Sây như nhập hồn vào tiếng chiêng ba

Nặng lòng với chiêng

Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê ở Ba Tơ rất hay, rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được, đạt đến trình độ cao về nghệ thuật và kỹ thuật nên đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 3/2/2021. Đây là niềm tự hào của người Hrê ở Ba Tơ, vì nhạc cụ truyền thống của cha ông đã được Nhà nước ghi nhận. Đó cũng là động lực để họ tiếp tục gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ sau.

Hiện nay, người Hrê, huyện Ba Tơ rất coi trọng bộ chiêng được cất giữ trong gia đình, trong đó, quý nhất là chiêng ba. Toàn huyện hiện có 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng ba, 740 người biết sử dụng chiêng.

Cụ Phạm Văn Hó bày tỏ: Bao năm rồi, cứ vào tháng 3 âm lịch, khi những cây gạo nở đỏ ối dọc con đường về các xã Ba Thành, Ba Vinh và lúa đã chín vàng trên nương, bầy chim ri không hẹn mà cùng bay về, đậu trên những bông lúa kêu lích chích, đó là lúc lũ làng kéo nhau ra đồng gặt hái. Rồi khi hạt thóc gặt về đem phơi đổ vào bồ cũng là lúc người làng chuẩn bị đón Tết truyền thống của đồng bào Hrê.

Điều đáng mừng là, không chỉ những người lớn tuổi mới có tình yêu với chiêng ba, mà nhiều người trẻ cũng nặng lòng với loại nhạc cụ này. Đơn cử như Phạm Văn Rôm, khi mới 15 tuổi, anh đã rành rẽ kỹ năng đánh chiêng nên thường được trình diễn trước dân làng. Mặc dù vậy, anh vẫn luôn rèn luyện cách để tiếng chiêng ngày càng thăng hoa. Anh luôn cố gắng sắp xếp công việc tham gia những đợt hội diễn văn nghệ quần chúng ở nhiều nơi, qua đó giao lưu, học hỏi thêm cách đánh chiêng Ba.

 “Chiêng ba làm nhiều người say mê lắm, cả người đánh lẫn người nghe. Khi đánh chiêng thấy lòng vui sướng lắm, quên hết mệt nhọc, lo âu...”, anh Rôm tâm sự.

Hay như anh Đinh Văn Sây, mỗi khi anh Sây tấu chiêng, cứ nhìn cách anh dùng tay giữ nhịp, cách búng gõ và nhất là đôi mắt như nhập hồn vào tiếng chiêng, mới biết trong anh là cả sự say mê.

Anh Sây bộc bạch: Từ nhỏ, mình theo lũ làng xem đánh chiêng, rồi cách đánh chiêng nhập vô mình bao giờ chẳng rõ. Nhờ đánh chiêng mà mình được tham gia các hội diễn dân ca, dân nhạc các huyện miền Tây Quảng Ngãi, rồi hội diễn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hội thi văn hóa - văn nghệ các DTTS toàn quốc. Càng đánh càng mê nên mình không vắng mặt ở bất kỳ hội thi, hội diễn nào.

Còn đối với biên đạo múa Đinh Y Trang, chiêng ba là hồn cốt của người Hrê mình. Bên cạnh việc diễn tấu theo cách thức truyền thống, cần kế thừa và phát triển phong cách biểu diễn để thể hiện sức sống mãnh liệt của người Hrê.

Vì vậy nên mình mới sáng tác tiết mục hòa tấu chiêng “Sức mạnh trai làng”. Tiết mục này được diễn viên quần chúng thể hiện, được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Đàn và hát dân ca ba miền toàn quốc năm 2021, do Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ở Lâm Đồng.

Ông Lê Cao Đỉnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ chia sẻ: Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, không chỉ là sinh hoạt văn hóa mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

“Thường ngày, họ bận rộn với ruộng đồng, nương rẫy cùng bao việc mưu sinh, nhưng sẵn lòng tham gia khi nghe lời mời đánh chiêng, tham dự các hội diễn văn nghệ quần chúng quảng bá chiêng ba. Họ yêu nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và mến người thích nghe tiếng chiêng gieo niềm vui vào lòng”, ông Lê Cao Đỉnh bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.