Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê

Nguyệt Anh (T/h) - 11:41, 02/12/2021

Với người Hrê, cồng chiêng không chỉ có giá trị vật chất hay được coi như những nhạc cụ khác, mà giá trị của nó cao hơn trong đó là mang yếu tố tâm linh.

Người Hrê ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) luôn trân trọng, gìn giữ hồn chiêng của làng
Người Hrê ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) luôn trân trọng, gìn giữ hồn chiêng của làng - Ảnh Tiêu Dao

Người Hrê sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, chỉ có người Hrê ở huyện Ba Tơ mới biết trình diễn chiêng Ba. Đặc biệt, tại xã Ba Vinh, người dân còn lưu giữ được đầy đủ các làn điệu chiêng Ba, phương thức trình diễn và nhiều lễ thức phản ánh sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến cồng chiêng của người Hrê.

Với giá trị tiêu biểu, Nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 609/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2021.

Theo quan niệm của người Hrê, cồng chiêng còn được coi như một tiêu chí để đo đếm độ giàu nghèo của gia đình và vị thế của gia chủ trong cộng đồng. Bộ chiêng được người Hrê cất giữ ở “góc thiêng” trong nhà, cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi chỉ riêng chủ nhà hướng đầu vào khi ngủ.

Cồng chiêng cũng được xem là vật “có hồn”, được trời ban cho, dùng để cầu xin thần linh ban cho những đều tốt đẹp và che chở cho làng bản, gia đình có cuộc sống bình an, cây trồng, vật nuôi, mùa màng sinh sôi phát triển. Vì vậy, người Hrê rất coi trọng bộ chiêng, trước khi mang ra sử dụng trong các ngày lễ trọng của cộng đồng, đồng bào phải thực hiện nghi thức cúng hồn chiêng.

Đa số chiêng của người Hrê là dàn chiêng Ba chiếc có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh Vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh Tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh Túc hay là chinh con. Đánh chiêng thì gọi là túc chinh. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm, chinh Túc treo trên dây. Khi đánh thì chinh Tum đóng vai trò giữ nhịp, chinh Vông và chinh Túc theo giai điệu. Chinh cha và chinh mẹ đánh bằng nắm tay trần, chinh con đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Khi diễn tấu dàn chinh ba chiếc, nghệ nhân ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển. Nơi diễn tấu thường là đầu tra - gian khách phía trước của nhà sàn.

Đồng bào Hrê ở làng Teng tấu chiêng Ba và biểu diễn dân vũ- Ảnh TD
Đồng bào Hrê ở làng Teng tấu chiêng Ba và biểu diễn dân vũ- Ảnh TD

Để sử dụng cồng chiêng, sáng sớm ngày đầu năm, chủ nhân bộ chiêng thực hiện nghi thức cúng chiêng. Người Hrê dùng lá mâm xôi, bông cỏ may lót dưới lưng chinh làm vũ khí chống ác quỷ. Khi hành lễ, chủ nhà cắt tiết gà nhỏ vào bụng chinh, theo thứ tự: chinh Vông (chinh cha) trước, sau đến chinh K’tum hay chinh Tum (chinh mẹ) và chinh Túc (chinh con). Sau đó người ta cho chinh ăn bánh tét, uống nước suối nguồn, uống rượu cần, ăn lá ré, rồi chủ nhà đánh vang tiếng chinh để chào đón năm mới.

Theo các nghệ nhân cao tuổi, khi đánh chinh không được để đứt dây làm rớt chinh và tránh làm vỡ chinh. Chính vì thế, trước khi sử dụng chinh, người ta phải kiểm tra độ chắc của dây treo. Khi đổi các chiếc chinh cho nhau trong quá trình trình diễn, tránh va chạm, vì đồng bào cho rằng chinh va chạm là “cắn nhau” sẽ không tốt.

Đánh chinh để vui chơi thì đánh ở vị trí phía ngoài (lưng chinh), còn đánh trong lễ tục chia của cho người chết thì đánh phía trong (bụng chinh). Trong làng có người qua đời không được đánh chinh. Những người trong năm gặp rủi ro thì không được đánh chinh trong những ngày vui của dân làng. Ngoài những kiêng kỵ trên, khi sử dụng chinh không nên đánh quá mạnh tay sẽ làm cho “chinh khóc” là đều không tốt, chủ chinh không vừa ý và bị chê là không biết đánh chinh.

Trong số của cải chia cho người chết (tục chia của), nếu gia đình có chinh thì phải chia 1 trong 3 chiếc. Chiếc chinh chia cho người chết phải là chiếc chinh khác giới tính, nếu cha chết thì chia chinh mẹ, mẹ chết thì được chia chinh cha, con chết thì được chia chinh cha hoặc chinh mẹ. Chiếc chinh này được mang ra mộ cùng với những của cải khác để chia cho người chết.

Trước lúc chôn chiếc chinh theo người chết, người ta dùng thanh gỗ cứng đánh thật mạnh vào phía trong chinh (bụng chinh) cho rạn nứt, nhằm báo cho linh hồn người chết biết người nhà đã chia cho 01 chiếc chinh.

Âm thanh cồng chiêng của người Hrê thương vang lên trong ngày lễ hội của làng
Âm thanh cồng chiêng của người Hrê thương vang lên trong ngày lễ hội của làng

Về kỹ thuật diễn tấu, người Hrê diễn tấu bằng tay (không dùng dùi), cộng với thủ pháp búng, gõ bằng ngón tay rất độc đáo. Người chơi chinh Túc đánh chinh tạo âm sắc đục, ấm do bàn tay phải đánh chinh được bọc vải, phối hợp với kỹ thuật bịt âm của bàn tay trái vào mặt trong của chinh (bụng chinh). Kỹ thuật bịt âm ở bàn tay trái luôn được thay đổi, có khi dùng cùi tay và bàn tay để bịt âm, tạo sự tương phản hấp dẫn cho bộ chiêng ba. Người chơi chinh Túc phải có kỹ thuật cao, có kinh nghiệm và thuộc nhiều bài bản để dẫn dắt cả dàn chinh hòa tấu nhịp nhàng, theo từng giai điệu.

Người chơi chinh Vông diễn tấu kết hợp kỹ thuật gõ bằng đầu các đốt ngón tay để tạo âm cứng, khỏe với kỹ thuật bịt âm bằng cả bàn tay trái ở mặt trong của chinh tạo âm thanh mềm dịu.

Người chơi chinh Tum dùng tay phải đánh vào mặt ngoài của chinh, tay trái bịt âm bằng cả cùi tay lên mặt ngoài của chinh. Chinh Tum là chinh có âm thanh cao nhất trong dàn chiêng.

Về bài bản, người Hrê có bốn điệu cơ bản: Chinh Năng, Chinh K’oa, Chinh H’lay và Chinh Tuguốc.

Điệu Chinh Năng (Túc Năng): Là điệu chinh phổ biến, nghe vui nhộn, thúc giục và trữ tình. Nó được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt của người dân như: vào dịp tết cổ truyền, lễ ăn trâu, lễ cưới… Khi diễn tấu, lúc đầu thường đánh thong dong, chậm rãi để chờ ổn định nhịp chiêng, sau đó tốc độ ổn định và nhanh hơn. Người đánh chiêng lâu, nếu mỏi tay thì có thể tranh thủ dừng để quấn lại khăn trên bàn tay, trong khi điệu chinh vẫn đang được diễn tấu.

Điệu Chinh K’oa (Túc K’oa) là điệu chinh mô phỏng âm thanh của tiếng ếch, nhái. Điệu Chinh K’oa rất khó diễn tấu, bởi tiết tấu, âm sắc, nhịp độ, nhịp điệu rất tinh tế.

Điệu Chinh H’lay (Túc H’lay) là điệu chinh mô phỏng âm thanh của thác đổ, nước suối chảy. Điệu chinh có có cấu trúc câu, đoạn khá rõ ràng, thường được diễn tấu trong sinh hoạt vui chơi, nhảy múa…

Điệu Chinh Tuguốc (Túc Tuguốc) là điệu chinh mô phỏng tiếng hót của một loài chim Tuguốc (tượng thanh), rất gần gũi với người Hrê. Điệu chinh Tuguốc có tính chất đối đáp, tự sự, tỏ bày.

Người Hrê làng Nước Lui, xã Ba Vinh, Ba Tơ (Quảng Ngãi) diễn tấu cồng chiêng và nhạc cụ trong ngày lễ, tết
Người Hrê làng Nước Lui, xã Ba Vinh, Ba Tơ (Quảng Ngãi) diễn tấu cồng chiêng và nhạc cụ trong ngày lễ, tết- Ảnh Trần Đình Quang

Trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa, người Hrê có cách thức trình diễn đa dạng. Nếu là lễ hội vui chơi của cộng đồng và gia đình như: mừng nhà mới, đám cưới,... thì người ta thường trình diễn chiêng theo giai điệu ngẫu hứng, ứng tác và hòa tấu chiêng để tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong gia đình và cộng đồng. Nếu là lễ hội của cộng đồng như lễ ăn trâu, cầu mùa... thì người ta diễn tấu chiêng theo các bài chinh cầu mùa như: điệu Túc K’oa (tiếng ếch nhái), Túc H’lay (tiếng thác đổ) và Túc Tuguốc (tiếng chim báo mưa).

Thực hành trình diễn chiêng Ba phản ánh thế giới tự nhiên gắn bó với con người và cũng là lời cầu nguyện của con người đến với thế giới thần linh để cầu mong về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.