Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dạy và học cồng chiêng ở làng Lút

PV - 14:56, 03/09/2020

Dưới bóng mát của những cây cổ thụ trong khuôn viên nhà rông làng Lút (xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy), những người đàn ông Gia Rai lớn tuổi say sưa truyền dạy cồng chiêng cho trẻ em trong làng. Đây là lớp truyền dạy cồng chiêng mà người dân làng Lút thường tổ chức vào dịp hè hàng năm cho thế hệ con cháu của mình. Nhờ đó, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai được bảo tồn và phát huy.

Những người đàn ông lớn tuổi ở làng Lút tích cực dạy trẻ em trong làng đánh cồng chiêng. Ảnh: ĐT
Những người đàn ông lớn tuổi ở làng Lút tích cực dạy trẻ em trong làng đánh cồng chiêng. Ảnh: ĐT


Với người làng Lút, cồng chiêng xuất hiện trong đời sống sinh hoạt từ bao đời nay. Đến nay, làng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như các lễ hội mừng lúa mới, mừng giọt nước, đâm trâu, cưới hỏi, bỏ mả… Những lễ hội đó thì không thể thiếu cồng chiêng. Khi đánh các bài chiêng cổ, dân làng sẽ sử dụng bộ cồng chiêng với 8 chiếc chiêng và 3 chiếc cồng, còn khi đánh các bài chiêng mới dân làng sẽ sử dụng bộ cồng chiêng với 9 chiếc chiêng và 12 chiếc cồng.

Khi không có lễ hội, cồng chiêng được xếp gọn gàng theo thứ tự kích thước lớn nhất ở bên dưới vừa và nhỏ ở bên trên, không được để cồng hay chiêng gác lên dùi, phải cất giữ ở nơi trang trọng trong nhà...

Tham gia công tác truyền dạy cồng chiêng đã được hơn 12 năm, ông Rơ Châm Phương (47 tuổi) người dân làng Lút cho biết, lớp truyền dạy cồng chiêng trong dịp hè năm nay của làng có 26 cháu từ 6-12 tuổi tham gia. Lớp được tổ chức vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Những hôm trời mưa, lớp được tổ chức trong nhà rông thay vì ngoài sân như thường lệ.

Những ngày đầu tham gia lớp học, trẻ em làng Lút được truyền dạy về vai trò của cồng chiêng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của dân làng; giới thiệu những bộ cồng chiêng mà làng đang sử dụng; truyền dạy những bài chiêng cổ, những bài chiêng mới và cách gìn giữ, bảo quản bộ cồng chiêng trong gia đình.

Suốt quãng thời gian diễn ra lớp học truyền dạy cồng chiêng, mỗi trẻ em chỉ được giao đánh 1 chiếc cồng hoặc 1 chiếc chiêng. Bởi, theo ông Phương giải thích, để học thuộc cách đánh một bài chiêng, phải nắm được âm và thuộc thật nhuyễn nhịp đánh của chiếc chiêng hoặc chiếc cồng của mình, từ đó mới phối hợp nhịp nhàng với những người đánh cồng chiêng khác trong đội. Sau nhiều lần chỉ đánh mỗi chiếc cồng hoặc chiếc chiêng của mình, tự bản thân người đó sẽ cảm âm và thuộc nhịp đánh của những chiếc cồng, chiếc chiêng khác và dần dần sẽ thuộc được cách đánh của cả bài chiêng. “Đây là cách học đánh cồng chiêng mà thế hệ đi trước đã truyền dạy lại cho chúng tôi”, ông Phương nói.

Ông Phương cho biết: Ngày xưa khi làng Lút chưa có điện, chúng tôi phải đợi những đêm trăng sáng mới được học đánh cồng chiêng, quá trình học bị ảnh hưởng bởi ban đêm trời lạnh và nhiều côn trùng. Đặc biệt, mỗi khi có ai đó đánh không đúng nhịp hay không đúng âm khiến cả đội bị ảnh hưởng, người đó đều bị các ông, các chú cầm dùi đánh vào mu bàn tay đau đến mức bật khóc. Dẫu vậy, chúng tôi đều không bỏ cuộc và quyết tâm học đánh cồng chiêng sau mỗi lần như vậy. Ngay từ khi còn bé, chúng tôi đã được cha của mình dạy rằng: “Người con trai Gia Rai đều phải biết đánh cồng chiêng”. Cũng nhờ cách dạy “thương cho roi cho vọt” như vậy mà chúng tôi đã rèn luyện được các đức tính cần có của một người đánh cồng chiêng đó là kiên trì, nhẫn nại và cứng rắn.

Mỗi khi trời mưa, lớp truyền dạy đánh cồng chiêng được tổ chức trong nhà rông của làng. Ảnh: Đ.T
Mỗi khi trời mưa, lớp truyền dạy đánh cồng chiêng được tổ chức trong nhà rông của làng. Ảnh: Đ.T

Ông Rơ Châm Đêl - Thôn trưởng làng Lút, người cùng với ông Rơ Châm Phương tham gia truyền dạy cồng chiêng tại lớp học cho hay, để các cháu đánh cồng, chiêng đúng, chúng tôi hướng dẫn tỉ mỉ tư thế cầm, góc, lực đánh đúng của dùi và cách ngắt, nhả âm thông qua 3 ngón út - áp út - giữa của tay cầm chiếc cồng hoặc chiếc chiêng.

Ông Đêl cũng chia sẻ: Vì lớp học diễn ra trong thời gian không dài nên chúng tôi lựa chọn 1 bài chiêng dễ đánh và 1 bài chiêng khó đánh, để truyền dạy cho các cháu. Đó là bài chiêng thường được sử dụng trong lễ mừng lúa mới vào tháng 12 hàng năm, và bài chiêng được sử dụng nhân dịp nhà trai qua nhà gái đặt vấn đề hỏi cưới và trong lễ cưới chính thức.

Ngoài việc được truyền dạy cách đánh cồng chiêng, tại lớp học, trẻ em làng Lút còn được thế hệ đi trước truyền dạy về những truyền thống tốt đẹp của dân làng gắn liền với văn hóa cồng chiêng- đó là cử đội cồng chiêng của làng tham gia đánh cồng chiêng khi trong làng và các làng xung quanh có người qua đời hoặc có việc lễ hội, cưới hỏi. Đồng thời, thường xuyên tham gia giao lưu văn hóa cồng chiêng với các dân tộc khác. Việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ sau luôn được làng Lút duy trì, cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Gia Rai.

Được biết ở làng Lút, ngoài dịp hè hàng năm có lớp truyền dạy cồng chiêng do ông Rơ Châm Phương và ông Rơ Châm Đêl phụ trách đứng lớp, nhiều gia đình có người biết đánh chiêng trong làng như gia đình ông Rơ Châm Pớt, ông Rơ Châm Quý, ông A Xin, ông A Đơ hay ông A Men cũng thường xuyên truyền dạy cồng chiêng cho con cháu của mình.

Những tiếng cười của người truyền dạy, của trẻ em xen lẫn tiếng cồng chiêng cứ thế vang khắp làng Lút, góp phần gìn giữ và quảng bá những giá trị văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.