Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cũng là chống dịch Covid-19

Phương Hạ - 16:28, 13/04/2020

Đại dịch, dù sớm hay muộn sẽ tới lúc kết thúc. Khó khăn về việc làm rồi cũng sẽ dần qua đi. Có điều khi đó, hàng chục nghìn, thậm chí nhiều hơn nữa người lao động (NLĐ), do nông nổi, không nhìn xa, đã nhận Bảo hiểm Xã hội (BHXH) một lần hoặc đã "bán non" sổ BHXH sẽ phải đối mặt với những khó khăn lâu dài trong cuộc sống; “hậu dịch”, nhà nước lại thêm một việc khó nữa phải giải quyết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách đây hơn 5 năm, có một chuyện “nóng” liên quan vấn đề BHXH.

Sự thể là, Điều 60 của Luật BHXH 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu và tích lũy thời gian đóng BHXH để có lương hưu khi hết tuổi lao động. Theo đó, một khi NLĐ vẫn trong độ tuổi lao động nghỉ việc, tạm thời chưa giải quyết BHXH một lần.

Trong khi đó, một bộ phận không ít lao động, nhất là lao động các khu công nghiệp phía Nam có nguyện vọng nhận BHXH một lần, vì muốn “một cục tiền” để giải quyết khó khăn tạm thời, có vốn làm ăn hoặc để chi phí cho những việc cần kíp.

Đây không phải vấn đề xung đột lợi ích. Về mặt trách nhiệm, một nhà nước, dù theo mô hình nào, cũng không thể bỏ mặc người dân khi họ quá khó khăn. Nhà nước Xã hội chủ nghĩa càng phải thế. Nhiều quốc gia giàu có, người nghèo không được hoặc không dám xét nghiệm, điều trị vì không có khả năng tài chính, thì Việt Nam chấp nhận thiệt hại kinh tế, ưu tiên chăm lo sức khỏe, tính mạng người dân trong dịch Covid-19 đủ chứng minh điều đó. Thế nên, Điều 60 Luật BHXH quy định thế, suy cho cùng cũng là nhằm bảo đảm an sinh cho xã hội nói chung và lợi ích NLĐ nói riêng.

Hầu hết NLĐ biết điều đó. Và phần đông chỉ vì “cực chẳng đã” mà “đòi” BHXH một lần. Họ biết và muốn lắm những đồng lương hưu, có thể ít, nhưng sẽ rất có ý nghĩa trong chặng đường sau của cuộc đời.

Hội thảo, tọa đàm, những ý kiến đa chiều, nhiều góc: xây dựng có, cực đoan có, cảm tính có, chín chắn, sâu sắc có, nông cạn có...Và cuối cùng, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII  đã điều chỉnh Điều 60: “Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần”.

Chỉ có điều, với sự điều chỉnh đó, “lợi ích lâu dài” cho NLĐ - như Điều 60 (chưa điều chỉnh) - mục tiêu mà các cơ quan xây dựng Luật đề ra - tạm thời chưa đạt được hoàn toàn. Vậy nên, cùng với điều chỉnh Điều 60, công tác tuyên truyền để NLĐ không “bóc ngắn, cắn dài”, không yêu cầu nhận BHXH một lần đã được coi trọng và triển khai thường xuyên, góp phần làm lắng xuống một vấn đề về an sinh xã hội.

Sau hơn 5 năm, thời điểm nóng bỏng của dịch Covid-19, câu chuyện, vấn đề trên đang có chiều hướng nóng trở lại.

Do tác động của dịch, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm thời phải ngừng sản xuất. Ngưng sản xuất thì thiếu việc làm. Vậy là, trong tình thế khó, hàng nghìn lao động tại các khu công nghiệp trọng điểm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương khác, đang muốn nhận BHXH một lần (trường hợp đủ điều kiện). Những người chưa đủ điều kiện (do mới được tuyển dụng trong thời gian ngắn) thì “bán non” sổ bảo hiểm cho những người mua gom, để có được “một cục tiền” mà không biết rằng, như thế, không những bị thiệt thòi, thiệt hơn cả nhận một lần, vì đây không phải NLĐ làm việc trực tiếp với cơ quan BHXH Nhà nước, mà giao dịch phi pháp với những kẻ xấu nên không thể không bị chèn, ép giá.

Thấu hiểu khó khăn nặng nề của NLĐ thời điểm này, cùng với các hành động khẩn trương, quyết liệt chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo giải ngân khẩn cấp gói tín dụng tới 250 nghìn tỷ hỗ trợ duy trì, phục hồi sản xuất và kinh doanh và gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng. Đối tượng thụ hưởng bao gồm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đại dịch, dù sớm hay muộn sẽ tới lúc kết thúc. Khó khăn về việc làm rồi cũng sẽ dần qua đi. Có điều khi đó, hàng chục nghìn, thậm chí nhiều hơn nữa NLĐ, do một phút nông nổi, không nhìn xa, đã nhận BHXH một lần, hoặc đã "bán non" sổ BHXH sẽ phải đối mặt với những khó khăn lâu dài trong cuộc sống; “Hậu dịch”, Nhà nước lại thêm một việc khó nữa phải giải quyết.

Vậy nên, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, sự vào cuộc khẩn trương của tổ chức Công đoàn, ngành BHXH và các tổ chức, các ngành, các cấp liên quan trong việc hỗ trợ, giúp NLĐ vượt qua khó khăn tạm thời; tuyên truyền để NLĐ nhìn xa hơn, dài hơn, thiết thực hơn về lợi ích lâu dài của chính họ...., là điều thật sự cần trong lúc này, từ lúc nà. Bởi đây cũng là một phần của công cuộc chống Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.