Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tăng tuổi nghỉ hưu đảm bảo ổn định quỹ bảo hiểm xã hội

PV - 16:52, 07/06/2019

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra từ ngày 20/5 đến 13/6 thảo luận và xem xét thông qua nhiều dự luật quan trọng. Trong đó, dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang được đông đảo dư luận quan tâm, đặc biệt về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang bàn thảo về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang bàn thảo về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

Về nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: “Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”.

Phương án 2: “Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”.

Qua lấy ý kiến thì đa số chọn phương án 1 bởi có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo cũng đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá: đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì thực tế cho thấy, với tuổi nghỉ hưu hiện tại (nam 60, nữ 55) vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. Nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc, thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để tiền lương hưu cao hơn. Việc tăng tuổi hưu cũng giúp Việt Nam có thể chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hóa dân số sắp diễn ra. Nếu đánh giá thực trạng về tuổi nghỉ hưu hiện nay, theo quy định của pháp luật, thì chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực rất quan trọng. Thực tế nguồn nhân lực này là những người có chuyên môn, có trình độ quản lý và có tay nghề cao trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ bên hành lang Quốc hội: Nghị quyết của Trung ương đã nêu rất rõ về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, với mục tiêu tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm và đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm xã hội; phù hợp với quá trình già hóa dân số và giảm dần khoảng cách về giới... Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu dài nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt tiến tới thích ứng được với già hóa dân số vào năm 2035.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán. Đồng thời rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm; Chính phủ làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội, các yếu tố ảnh hưởng khác…

NGÂN HÀ