Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho biết,hằng năm khu vực doanh nghiệp trong nước đang đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 12%, tương đương trên 60% GDP nền kinh tế. Mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay tăng trưởng hơn 10%/năm, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP cùng kỳ.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, thời gian qua Cuộc vận động nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, nhiều sản phẩm thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới; cùng với đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng;…
Cùng với những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế như: Một số nơi cuộc vận động vẫn mang tính hình thức, riêng lẻ, độc lập chưa gắn kết và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; Công tác tuyên truyền chưa nhạy bén, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí chưa đầy đủ, kịp thời; nội dung tuyên truyền chưa cụ thể; chưa kịp thời phát hiện những gương điển hình tiên tiến; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn khó kiểm soát; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt chưa thực sự hưởng ứng Cuộc vận động; một số thành viên Ban Chỉ đạo chưa tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia Cuộc vận động;…
Theo đó, để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động trong năm 2020, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội; Xử lý nghiêm các hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hoá; Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh trạnh về giá cả, mẫu mã của hàng hoá; Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin sản phẩm để khách hàng phân biệt hàng chính hãng với hàng nhái, hàng giả; Phát triển hệ thống bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm, chăm sóc khách hàng và hệ thống phân phối sản phẩm; Coi trọng phát triển thị trường trong nước nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về những khó khăn, thách thức trong thực hiện Cuộc vận động...