Bát Đại Sơn, tiếng Hán có nghĩa là tám quả núi to, nhưng thực ra chỉ có bảy quả núi lớn, vươn cao trập trùng giữa những dãy núi đá vôi cuồn cuộn trải dài. Còn quả núi thứ tám thì nhỏ hơn, chia thành hai nửa, một nửa ở đỉnh dốc Sán Chồ, còn nửa kia ở phía hữu ngạn dòng sông Tráng Kìm.
Chuyện kể rằng: Xa xưa có một người buôn sành sứ. Khi về đến vùng đất này số hàng còn lại chỉ có tám cái bát, đêm xuống người lái buôn lấy bát ra gối đầu, vượt chặng đường xa quá mệt mỏi, nên giấc ngủ đến rất sâu, khi tỉnh giấc thấy một chiếc bát bị vỡ, vừa tiếc rẻ, nhưng trong lòng người lái buôn nảy ra ý nghĩ: Liệu có phải là do ý trời, hoặc là cơ duyên nào đây? Người lái buôn bèn ném nửa cái bát về phía Cán Tỷ, còn nửa kia để lại Bát Đại Sơn rồi lặng lẽ trở về quê… Có lẽ Bát Đại Sơn bắt nguồn từ huyền thoại này…
Từ trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang), ngược Quốc lộ 4C đến cầu Cán Tỷ 13km, rẽ trái rồi men theo tả ngạn dòng sông Tráng Kìm ngược lên 12km là đến Bát Đại Sơn. Hai bên đường bạt ngàn ngô, có lứa đang phơi hoa, rì rào lao xao trong gió. Lên đỉnh dốc Sán Chồ, nắng chợt hừng lên. Dòng sông Tráng Kìm phía dưới thăm thẳm, những bờ đá dựng hiểm trở, con đường dẫn lên Cao nguyên phía Bắc mờ tỏ trong mây trắng, núi non trùng điệp, chia cắt. Đèo Cán Tỷ uy nghiêm chắn ngang một góc trời… Phía trái vẫn là núi dựng thành, con đường xe đi trên những quả núi đất trơn lỳ hiểm trở.
Gần 60 năm về trước, Bát Đại Sơn còn hoang vu, nhiều cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Nhớ lại năm 1959, bọn biệt kích và thổ phỉ đã nhảy dù xuống Bát Đại Sơn với một lực lượng đáng kể, nhằm tăng cường hoạt động chống phá cách mạng của ta. Song chúng đã bị bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ Bát Đại Sơn đánh trả quyết liệt, cuối cùng bọn biệt kích, thổ phỉ phải tháo chạy. Với thành tích bảo vệ Tổ quốc đặc biệt xuất sắc, năm 1983, xã Bát Đại Sơn được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng Vũ trang.
Bát Đại Sơn hiện có 8 thôn bản, 338 hộ với 2.217 nhân khẩu, gồm hai dân tộc Mông và Dao sinh sống (dân tộc Mông chiếm 80%). Khó khăn nhất của Bát Đại Sơn là nguồn nước và đất đai canh tác. Trong toàn bộ diện tích canh tác thì có đến 80% do dân bạt núi, hạ độ cao, xếp bờ kè đá mà có. Có những bờ kè cao ngót 1m, mặt ruộng chỉ nhỉnh hơn một đường bừa…
Tuy nhiên, xã vẫn tiếp tục phấn đấu bằng mọi cách để mở thêm nương bậc thang xếp đá, khai phá đất đai hoang hóa làm ruộng cấy lúa nước, trồng rừng. Mở đường giao thông từ chân dốc Sán Chồ, ven tả ngạn sông Tráng Kìm ngược phía thượng nguồn. Vận động đồng bào xuống núi, hình thành những khu dân cư tập trung, thay đổi tập quán độc canh cây ngô, đưa một phần sang cấy lúa. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống.
Mặc dù là vùng quê nghèo khó, thiên nhiên kém ưu đãi, nhưng Bát Đại Sơn lại có tiềm năng phát triển kinh tế rừng, với khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia rộng trên 16.000ha, có nhiều chủng loại động, thực vật phong phú được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Trong đó, có loài thông đỏ, nghiến vàng, pơ mu, lim, chò chỉ…
Từ trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang), ngược Quốc lộ 4C đến cầu Cán Tỷ 13km, rẽ trái rồi men theo tả ngạn dòng sông Tráng Kìm ngược lên 12km là đến Bát Đại Sơn. Hai bên đường bạt ngàn ngô, có lứa đang phơi hoa, rì rào lao xao trong gió. Lên đỉnh dốc Sán Chồ, nắng chợt hừng lên.
Và không thể không nói đến cây hoa sở thuộc Dự án PAM của Thụy Điển được triển khai hiệu quả ở Bát Đại Sơn. Sở là cây không lớn lắm, nhưng sức sống rất bền bỉ, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa cho quả. Đến mùa thu hái, quả sở được ép, chiết xuất thành một loài dầu ăn rất quý hiếm, giàu dinh dưỡng và còn phục vụ ngành Công nghiệp. Mùa hoa nở từ tháng 4 đến hết tháng 6 mới tàn, trên hàng vạn ha sở, hoa nở trắng tinh khôi. Vì thế ở trên Cao nguyên đá này, bên cạnh sự trần trụi, khắc nghiệt của đá tai mèo, kể cũng lãng mạn lắm chứ!
Tạm biệt xã để ra huyện, trước lúc chia tay, chiến sĩ biên phòng còn đọc tặng tôi hai câu thơ: “Bát Đại Sơn tám quả núi to/Dốc Sán Chồ dài đường khó”… Các anh hẹn lần sau nếu lên đây các anh sẽ đưa tôi lên một trong ba điểm: Pải Chu Phìn, Thào Chu Phìn, Lùng Chu Phìn, để ngắm toàn bộ Bát Đại Sơn, phong cảnh cũng ngoạn mục, nên thơ lắm. Nhất là vào ngày nắng đẹp, mây lững lờ trôi, Bát Đại Sơn như một tác phẩm sơn mài vĩ đại mà thiên nhiên ban tặng. Có điều kiện tiếp tục lên đỉnh Sà Phàn Lủng để ngắm nhìn toàn bộ phong cảnh TP. Hà Giang, để cảm nhận cho hết sự hùng vĩ của một vùng quê cực Bắc thân yêu của Tổ quốc…