Làm dân phục
Bản Minh Tiến có 158 hộ dân, với 700 nhân khẩu, trong đó 97% là bà con dân tộc Thái. Trước, Minh Tiến là bản nghèo nhất xã, bà con làm ăn manh mún, chủ yếu canh tác theo lối truyền thống, nên năng suất rất thấp. Đã thế, con em lại thất học nhiều và nạn phá rừng diễn ra rất nhức nhối.
Theo lời cựu chiến binh Vi Thanh Bình kể: "Ta đi bộ đội về, thấy quê hương nghèo đói mà nóng cái ruột. Các cháu thì bỏ học nhiều, ruộng nương thì năng suất thấp, trăn trở lắm. Ta làm Bí thư Chi bộ Minh Tiến, cũng tìm đủ mọi cách mong muốn quê hương đổi thay. Điều ta làm được nhất là bồi dưỡng được anh Vân để làm. Nay, chỉ có được điều lên xã làm việc thì phải chịu, còn nữa là không ai cho anh Vân thôi chức Trưởng bản đâu. Anh ấy làm dân phục, nói dân tin”.
Trưởng bản Lô Văn Vân tỏ ra ngượng ngùng trước đánh giá của ông Vi Thanh Bình. Anh nói, thực ra anh cũng chưa làm được gì nhiều, cái được nhất là bà con một lòng đoàn kết, hăng hái xây dựng bản làng.
Chia sẻ kể về công việc đầu tiên sau khi anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Anh nhỏ nhẹ: "Năm 2014, tôi được bầu làm Trưởng bản. Lúc đó, đường giao thông còn rất khó khăn, vừa nhỏ hẹp, vừa gồ ghề. Tôi báo cáo chi bộ về kế hoạch làm giao thông nông thôn theo từng giai đoạn. Ban đầu là làm đường nội bản, sau đó mới đến nội đồng. Có đường đi thì công việc sản xuất, đi lại của bà con sẽ thuận lợi hơn, bản làng đẹp đẽ khang trang hơn".
Muốn thế thì phải tạo ra một phong trào hiến đất để mở đường. Cùng với việc vận động tuyên truyền, anh cắt 170m2 đất ở nhà mình để mở rộng trục đường chính. Sau đó, một số hộ khác cũng xung phong, sau nữa thì trở thành một phong trào, không ai bảo ai, cứ đường mở đến đâu bà con hiến đất đến đó. Cả bản có đến 17 hộ gia đình tự nguyện hiến 5.700m2 đất ở, ai cũng vui vẻ phấn khởi, anh Vân cho biết.
Sau thành công làm đường giao thông nội bản, anh tiếp tục vận động bà con hiến đất ruộng để làm giao thông nội đồng. Cũng như lần trước, Trưởng bản Vân lại xung phong hiến 75m2 đất ruộng, thế là 57 hộ dân khác cũng tự nguyện noi theo với hơn 11.000m2 được hiến để “cho máy về đồng ta”.
Bà Quán Thị Điệp, Chi hội trưởng Phụ nữ bản Minh Tiến còn chưa hết mừng vui: “Những ngày đó, bản ta như mở hội. Từ già đến trẻ, ai cũng nô nức làm đường. Đấy, các anh xem, đường bản mà thênh thang như rứa, có đẹp không. Công sức của anh Vân to lắm đó”.
Nói dân tin
Tôi hỏi anh Vân, đất thì được bà con hiến, còn tiền thì lấy đâu ra để làm giao thông rầm rộ như vậy? Vẫn chất giọng nhỏ nhẹ, ấm áp, Trưởng bản Vân nói như tâm tình: Có 700m đường, khi thi công được Nhà nước hỗ trợ về máy múc, xe vận chuyển; dân đóng góp công và mỗi hộ đóng thêm 40.000 đồng. Còn tuyến nội bản thì bà con đóng góp hoàn toàn, mỗi hộ 470.000 đồng và 5 ngày công.
“Khi dân đã tin tưởng thì họ không tiếc gì cả. Hãy nói cho họ hiểu, làm đường để mọi người cùng hưởng lợi, cho nên ai cũng cần đóng góp cả công và của. Dân thông tư tưởng rồi thì chẳng mấy chốc mà có đường”, anh Vân tâm sự.
Xong “công cuộc” làm đường giao thông, Trưởng bản Vân bắt tay vào vận động bà con thay đổi lối canh tác cũ. Anh tìm hiểu các giống lúa lai có năng suất cao, tổ chức làm mô hình thí điểm. Mùa gặt, lúa nhà anh và một số hộ khác trĩu bông, bà con hết lời tấm tắc rồi cứ thế làm theo. Từ chỗ 62 hộ nghèo năm 2014, đến nay toàn bản chỉ còn 24 hộ nghèo; hộ khá, giàu không ngừng tăng lên theo từng năm. Anh còn động viên các hộ có điều kiện làm trang trại, chăn nuôi lớn, như hộ Quán Huy Sinh, Nguyễn Quang Quyền…
Khi bà con đã quen với nếp sản xuất mới, năng suất lúa đã tăng, anh Vân lại bắt đầu công cuộc vận động bảo vệ rừng. 100% các hộ dân ký cam kết với bản không khai thác gỗ; cùng nhau đồng lòng bảo vệ rừng Minh Tiến. Anh nói: “Bây giờ nếu ai đó vào rừng chặt gỗ thì họ tự xấu hổ lắm, giống như đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm vậy”.
Chúng tôi rảo bước trên con đường liên bản thật tinh tươm, Trưởng bản Vân cho biết, để bản làng được sạch sẽ như thế này, bản phải vận động 4 tổ thu gom rác thải. Mỗi một tuần, các tổ viên lại đi thu gom một lần. Bây giờ không còn phải mất công nhắc nhở nữa, cứ cuối tuần là bà con lại tự bỏ rác vào thùng để tổ thu gom chở về bãi rác tập trung.
Đoạn anh Vân dẫn tôi rẽ ngang một con đường nhỏ cũng thật tinh tươm, rồi giới thiệu, đây là nhà văn hóa. Ngôi nhà sàn này được coi là nơi lưu giữ hồn cốt của bản, nào là cồng chiêng, nào là khắc luống… Vừa chuyện trò, anh Vân vừa nâng niu chiếc chày giã gạo, giọng anh trầm xuống, sâu lắng giới thiệu cho tôi về khắc luống - bảo vật của bản Minh Tiến quê anh.
"Bất kỳ hội hè nào cũng không thiếu được khắc luống. Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái của bản ta hoạt động thường xuyên, vừa để gìn giữ nét đẹp của ông cha, đồng thời cũng để trao truyền cho thế hệ trẻ”, Trưởng bản Vân nói.
Biết tôi, quan tâm nhiều đến việc học của con trẻ, không cần suy nghĩ, anh nói luôn: “Bản ta chỉ có 3 cháu nghỉ học từ năm lớp 9 để đi học nghề, còn lại đứa nào cũng được học hết THPT; hiện đang có 12 cháu theo học ở các trường đại học. Bây giờ nhà nào cũng quan tâm việc học của con cái, phải có cái chữ, phải có kiến thức mới thoát nghèo được”.
Dưới chân căn nhà sàn ấm áp - nơi được coi là trái tim của Minh Tiến, Trưởng bản Lô Xuân Vân nói: "Hôm nay nhà báo đi làm việc ta không dám mời rượu. Hôm nào bản ta về đích nông thôn mới là phải hết mình đó, nghe chưa". Tôi chỉ dám hứa với anh sẽ về lại Minh Tiến khi cả bản không còn hộ nghèo. Anh cười thật tươi, vẫy theo xe tôi mãi. Và tôi tin ngày đó sẽ không còn xa!