Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ghi từ bản Đoòng

Khánh Ngân - 08:16, 05/01/2022

Bọ Tòa vào chuyện rù rì như một cơn gió chiều lướt qua rừng già Trường Sơn. Từ chuyện bản Đoòng từ thủa “khai thiên lập địa” đến chuyện người Bru Vân Kiều biết làm du lịch, đời sống ấm no êm đềm chạy như một cuốn phim.

Bản Đoòng nằm trên đường của hai tour du lịch đến với kỳ quan Sơn Đoòng
Bản Đoòng nằm trên đường của hai tour du lịch đến với kỳ quan Sơn Đoòng

Bọ Tòa là tên mến thương mà bà con dân bản Đoòng vẫn gọi già Nguyễn Soái Trắc (ông sinh năm 1949). Ông là một trong 5 người Bru Vân Kiều “sáng lập” ra bản Đoòng (thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Đây là bản duy nhất vẫn còn giữ được nét hoang sơ của đất và người Bru Vân Kiều trong vùng lõi vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Chính vì vậy, nhiều du khách trước, hoặc sau khi vào Sơn Đoòng trở về đều muốn ghé lại bản Đoòng.

Bản Đoòng nằm trên hành trình đi bộ đến với kỳ quan hang động Sơn Đoòng. Trên một khu đất nhô cao trong thung lũng khá bằng phẳng, bản Đoòng như chòng chành giữa đại ngàn. Bao bọc bản là những vồng núi đá cao dựng đứng. Chiều sương mù buông xuống từng mảng, mây sà chờn vờn trên nóc bản, tạo cảnh sắc huyền diệu đến vô cùng. Cả bản chỉ có vỏn vẹn 9 hộ dân, với hơn 42 nhân khẩu. Đường sá đi lại gian nan cách trở, người dân bản Đoòng sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Không điện, không sóng điện thoại… Trải qua hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ, du khách dừng chân tại bản Đoòng để được nghỉ ngơi. Thưởng thức ngô nướng, khoai nướng, đặc biệt là bát cháo gà gạo nương để lại sức trên hành trình đến với kỳ quan Sơn Đoòng.

Sau nhiều câu chuyện như dò xét, già làng -Trưởng bản Nguyễn Soái Trắc mới mở lòng: Khoảng năm 1990, hồi nớ (hồi đó -pv), tui (tôi-pv) với bốn người nữa đến khai khẩn lập bản này. Chừ (giờ -pv) chỉ còn tui thôi. Mấy ông nớ nằm bên tê (kia-pv) núi cả rồi. Lúc cao điểm, bản Đoòng có 29 hộ dân, giờ chỉ còn 9 hộ với 42 nhân khẩu sinh sống. Vì cùng chung gốc rễ, huyết thống nên nam nữ thanh niên lớn lên đều phải cắt rừng, lội suối qua các bản làng bên tìm vợ, tìm chồng. Trưởng bản nói chắc nịch, từ ngày về đây bản không có hôn nhân cận huyết thống.

Bọ Tòa- già làng người Bru Vân Kiều ở bản Đoòng
Bọ Tòa - già làng người Bru Vân Kiều ở bản Đoòng

Mắt như sáng hơn, rù rì như một cơn gió chiều lướt qua rừng già, bọ Toà say sưa kể. Bản Đoòng bây giờ đã khác lắm rồi, vẫn thủy chung gắn bó với rừng, sống dựa vào rừng, nhưng cư dân bản Đoòng giờ vững lòng hơn khi được Nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ 800ha rừng. Nuôi rừng để rừng nuôi, nguồn thu nhập mang lại từ việc giữ gìn màu xanh của rừng đã nâng cao đời sống cho các hộ Bru Vân Kiều. Dù chưa phải là giàu có nhưng cũng đủ cái ăn cái mặc.

Bản có 9 gia đình đều là anh em họ hàng cả, anh em đùm bọc nhau, cùng chỉ cho nhau cách làm ăn để đuổi cái nghèo. Vài năm trở lại đây, nhiều nhà đã sửa được nhà lợp mái tôn, không lo bị dột. Bà con Bru Vân Kiều đã cải tạo vườn đồi, trồng trọt giỏi hơn trước.

Ở bản bây giờ đã có trường học, các cháu đã biết con chữ. Bây giờ bản Đoòng có đầy đủ tổ chức, đặc biệt phát triển được 5 đảng viên người Bru-Vân Kiều. 

Bản bây giờ được nhiều người biết tên lắm. Thỉnh thoảng lại có khách du lịch ghé vào tham quan, rồi ở lại cùng bà con mấy đêm. Chuyện là sau khi tỉnh Quảng Bình có quyết định khai thác tour du lịch hang Én và hang Sơn Đoòng vào năm 2015, bản Đoòng nằm trên trục đường của hai tour du lịch này. Hằng ngày, dân bản bắt gặp rất nhiều người vào bản của mình, cả du khách trong và ngoài nước lúc đầu còn lạ lẫm, sau được cán bộ trao đổi, họ quen dần, hòa đồng với mọi người. Dần dà, đồng bào mình cung cấp một số nhu yếu phẩm đặc trưng cho du khách. Cuộc sống cũng theo đó mà nâng lên. Điều quan trọng là bà con dân bản được tiếp xúc, hòa đồng với xã hội. Có khách, bản lại đông vui, không còn “cô đơn”.

Du lịch cộng đồng là hướng đi mới giúp đồng bào ở bản Đoòng phát triển bền vững
Du lịch cộng đồng là hướng đi mới giúp đồng bào ở bản Đoòng phát triển bền vững

Du lịch phát triển, bản Đoòng trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Bản Đoòng vẫn duy trì bản sắc văn hóa riêng biệt của người Bru Vân Kiều nên càng thu hút được du khách lưu trú lại bản.Đặc biệt, kể từ khi Oxalis là doanh nghiệp đi đầu tạo tour đưa du khách về với bản Đoòng, đó là một sự khởi đầu mở ra một trang mới cho bản Đoòng phát triển. 

Bản Đoòng nhất định sẽ thu hút khách du lịch, vì lợi thế nằm trên hành trình về với kỳ quan Sơn Đoòng. Đời sống của cư dân Bru Vân Kiều sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu được đầu tư thêm nhà ở cho du khách lưu trú. Hay như phát triển thêm ẩm thực bản địa, tổ chức lễ hội văn hóa đặc trưng của người Bru Vân Kiều dọc tuyến Trường Sơn Đông.

Chia tay bọ Tòa, men theo lối cũ để về xuôi. Bản Đoòng dần khuất trong rừng già Trường Sơn...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.