Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trở lại tâm lũ Hướng Việt

Khánh Ngân - 18:43, 27/12/2021

Hơn 1 năm trở lại xã vùng biên Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sau trận lũ lịch sử cuối tháng 10/2020 đổ về, hai bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, giờ đây hoa lau đã nở trắng phau, che lấp dấu vết của lở đất, lũ vây. Trên những cánh đồng, ngô lúa trải dài xanh mướt; trong ngôi trường của xã, tiếng các em học sinh Bru Vân Kiều học bài ngân nga, lúc trầm, lúc bổng khiến cho khung cảnh núi rừng nơi đây thêm sống động.

Từ đèo Sa Mù nhìn xuống, thung lũng Tà Rùng đã xanh trở lại
Từ đèo Sa Mù nhìn xuống, thung lũng Tà Rùng đã xanh trở lại

Tà Rùng “rũ bùn” đứng lên!

Hướng Việt nằm trọn vẹn trong thung lũng Tà Rùng, bốn phía là rừng và các dãy núi đá vôi dựng đứng. Toàn xã có gần 350 hộ với 1.500 nhân khẩu, chủ yếu là người Bru Vân Kiều. Dù chưa thể khôi phục lại như hiện trạng trước khi cơn “đại hồng thủy” tràn về (trận lũ lịch sử cuối năm 2020), nhưng hàng chục ha đất ruộng của đồng bào các DTTS ở Tà Rùng thời điểm này đã trải dài một màu xanh của ngô, lúa...

Dù khó khăn như vậy, nhưng người dân cũng không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Người Tà Rùng kêu gọi nhau cùng góp công, góp sức khôi phục diện tích đất ruộng bị vùi lấp và nạo vét hệ thống thủy lợi. Họ làm ròng rã cả tháng trời, vừa dùng sức vừa dùng máy móc, dần dần bờ be ruộng đồng ngày trước lấp ló hiện ra”.

Ông Hồ Văn SinhChủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Sau khi nạo vét đất đá, bà con gieo cấy lúa trên ruộng có nước cho kịp thời vụ. Nơi không có nước, thì xuống giống ngô, sắn và giống lúa rẫy chịu hạn tốt. Bằng đôi bàn tay cần mẫn, không trông chờ ỷ lại, hàng trăm ngày công cải tạo lại ruộng đồng, quyết tâm không để đất bỏ hoang để chủ động lương thực.

Đường đến Hướng Việt, những điểm sạt lở ta ly âm, dương nghiêm trọng đã được sửa chữa chắc chắn. Màu xi măng còn tươi mới. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các mạnh thường quân và những đôi bàn tay cần mẫn, người Bru Vân Kiều đang tái thiết lại cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

“Của mất đi sẽ lấy lại được”, ông Hồ Văn Phúc ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt bắt đầu câu chuyện của mình một cách đầy lạc quan. Rồi ông phấn khởi cho biết, gia đình ông đã nuôi 200 con gà và gây lại đàn lợn. Cười hiền ông thông báo thêm, những con lợn nái của gia đình còn sót lại sau lũ cũng đẻ rất nhiều con.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ ngã ba Khe Sanh vào Hướng Việt đã phẳng lỳ, hai bên hoa lau đã nở trắng phau. Dãy K Lóc và tiếng nổ lớn trong trận lở đất kinh hoàng hồi cuối năm 2020, đã ám ảnh đồng bào cho đến hôm nay, giờ cũng đã hồi sinh. Những vết lở loang lổ đã “liền da” phủ lên những mầm xanh.

Đồng bào Bru Vân Kiều ở Hướng Việt đã khôi phục sản xuất, vườn đã xanh, ao đã có cá ổn định lương thực, thực phẩm sau “đại hồng thủy”
Đồng bào Bru Vân Kiều ở Hướng Việt đã khôi phục sản xuất, vườn đã xanh, ao đã có cá ổn định lương thực, thực phẩm sau “đại hồng thủy”

Nốt “bổng” đã vang lên

Đổ gần hết đèo Sa Mù, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Hướng Việt hiện ra trong tầm mắt càng gần hơn. Do không có bệnh nhân bị covid-19 nên học sinh nơi đây vẫn được đi học bình thường. Thời điểm chúng tôi đến trường, đúng vào tiết học nhạc, nên những âm thanh ngân nga của các em vang lên lúc trầm, lúc bổng, khiến cho khung cảnh núi rừng nơi đây thêm sống động.

Còn nhớ, sau lũ dữ cuối tháng 10/2020 ở Hướng Việt, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, lực lượng quân đội cùng hàng trăm đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Trị, huy động gần 1.000 ngày công giúp trường dọn dẹp bùn đất. Thầy giáo, cô giáo cùng đồng bào cũng rất nỗ lực để sớm ổn định công tác dạy và học. 

Một ngôi nhà 2 tầng còn thơm mùi sơn mới, đó là bếp ăn tập thể và phòng ở cho giáo viên ở trường. Công trình được triển khai xây dựng ngay sau khi cơn “đại hồng thủy” đi qua, nhằm tạo điều kiện tốt nhất có thể để thầy, cô yên tâm dạy và các em học sinh yên tâm học.

Sau lũ, chất lượng giáo dục đại trà của các em học sinh ở trường TH&THCS Hướng Việt tăng cao
Chất lượng giáo dục ở trường TH&THCS Hướng Việt từng bước được nâng cao

Khác với các trường miền xuôi, giáo viên đi dạy rồi về nhà trong ngày, Trường TH&THCS Hướng Việt đa số giáo viên từ đồng bằng lên công tác, ở lại 1 - 2 tuần mới về với gia đình. Điều này khiến Ban giám hiệu Nhà trường và chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên. Vì vậy, bếp ăn tập thể giáo viên rất có ý nghĩa, là nơi gắn kết tình yêu thương của những thầy cô giáo đang dạy chữ ở vùng cao biên giới này.

Yêu nghề, thương học sinh, thầy Sơn, giáo viên trong trường, tự học tiếng Bru Vân Kiều để nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, cũng để dễ chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của các em hơn. Kịp thời hướng các em phát triển đúng khả năng của mình. Cùng với dạy chữ, kèm cặp các em học hành, thầy còn tổ chức những buổi cắt tóc miễn phí cho học sinh...;

Năm học 2020 - 2021, Trường TH & THCS Hướng Việt có 27 giáo viên, 14 lớp, hơn 300 học sinh. Tất cả các em đều là người Bru Vân Kiều. Các em được tặng sách vở, áo quần đồng phục đến trường đầy đủ. Điều đáng mừng, chất lượng học của các em sau lũ không giảm, trái lại còn tăng chất lượng đại trà. Trong kỳ khảo sát học kỳ I, số em đạt thành tích tăng cao, không có học sinh bỏ học giữa chừng.

Trong bữa cơm trưa đãi khách tại nhà ăn tập thể của trường có thêm món vịt xào sả ớt. Trong tiết trời se lạnh, trên miền biên viễn, tôi cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương và đoàn kết mà tập thể giáo viên dành cho nhau. Ở nơi biên giới xa xôi, đó là động lực để thầy, cô giáo không chùn chân, nản chí, luôn cần mẫn dạy từng con chữ cho các thế hệ học sinh thân yêu của mình.

Như chưa muốn rời xa, từ đỉnh đèo Sa Mù, nhìn lại Hướng Việt, thung lũng Tà Rùng khuất dần phía sau. Dẫu biết rằng, Hướng Việt chưa thể phục hồi hoàn toàn như trước lũ. Còn đó hệ thống thủy lợi cần được khơi thông, cầu tràn còn phải sửa... Nhưng trên những cánh đồng lúa, ngô và sắn đã xanh thắm hy vọng. Những đôi bàn tay cần mẫn, tư tưởng không ỷ lại, từ trong ánh mắt và suy nghĩ lạc quan của người Bru Vân Kiều đã thấy Hướng Việt hồi sinh.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.