Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Cao Sơn bừng sáng

Quỳnh Trâm - 16:55, 08/03/2022

Giấc mơ điện sáng trên ba bản Son, Bá, Mười ở xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã thành hiện thực. Có điện lưới, người dân phấn khởi bởi từ nay được tiếp cận với cuộc sống hiện đại, không còn sống trong cảnh mịt mù, tăm tối nữa, thấy ánh sáng là thấy tương lai.

Nhờ có điện bà con trong thôn chủ động được nguồn nước tưới để chăm sóc cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhờ có điện bà con trong thôn chủ động được nguồn nước tưới để chăm sóc cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bản nghèo chỉ còn là ký ức

Ba bản Son, Bá, Mười còn có tên gọi chung khác là Cao Sơn, thuộc xã Lũng Cao, nằm trên độ cao trung bình gần 2.000m so với mực nước biển. Lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, án ngữ hai bên là ngọn Pha Chiến và Phà Hé sừng sững, Cao Sơn như chiếc cầu nối liền xã Lũng Vân và Lũng Cao, nơi gà cất tiếng gáy cả hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa đều nghe tiếng.

Cao Sơn trong ký ức nhiều người là một thung lũng cô quạnh, hoang vắng, không điện, không đường, cái đói, cái nghèo đeo đẳng bao năm. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, cuối năm 2014, dự án đường giao thông Ban Công - Lũng Cao nối Cao Sơn với xã Nam Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) chính thức hoàn thành. Kể từ đây, Cao Sơn đã bước sang trang mới.

Từ khi có đường, việc giao thương, buôn bán thuận lợi, người người, nhà nhà tự nâng cao ý thức phát triển kinh tế, chú trọng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất và thu nhập. Đời sống bà con cũng nhờ đó mà đổi thay, nhà nào cũng no đủ, khấm khá hơn trước.

Bí thư Chi bộ thôn Mười, ông Bùi Văn Đuôn chia sẻ: “Trải qua bao thăng trầm, nhìn bản làng thay da, đổi thịt từng ngày, chúng tôi vui lắm. Không chỉ có đường giao thông, giờ đây còn có cả điện lưới được kéo về bản, với bà con, điều này cứ như một giấc mơ”.

Tháng 1/2021, sau thời gian dài mong mỏi, điện lưới cũng đã được kéo lên Cao Sơn, đưa ánh sáng thắp lên đỉnh đèo hàng trăm năm chìm trong bóng tối.

Trò chuyện bên chén trà ngày cuối năm, Trưởng thôn Son, ông Ngân Văn Đức chia sẻ: Thôn có 102 hộ với 428 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Thái. Sau 1 năm có điện, đời sống của người dân có nhiều đổi thay rõ nét. Hiện số hộ có ti vi chiếm 90%, 50% hộ có tủ lạnh, nhiều hộ mua máy xay xát, máy bơm nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Những hộ dân làm du lịch cộng đồng đã đầu tư thêm các trang thiết bị sử dụng điện để phục vụ du khách...

Nay đã bước sang tuổi 86, cụ ông Ngân Văn May lần đầu tiên nhìn thấy ánh đèn điện lưới sáng lên ở bản. “Từ khi có điện lưới, người dân ai cũng vui vẻ, bởi điện không chỉ đem lại nguồn sáng mà còn giúp chúng tôi nắm bắt được thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện. Cái quan trọng nhất là, các cháu học sinh có điện sáng để học tập”, cụ May phấn khởi.

Có điện, phòng học được trang bị thiết bị, máy chiếu, quạt trần... Nhờ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng lên
Có điện, phòng học được trang bị thiết bị, máy chiếu, quạt trần... Nhờ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng lên

Cuộc sống mới ở Cao Sơn

Có điện lưới, người dân được dùng tivi, điện thoại, có sóng di động, từ nay Cao Sơn đã được kết nối với thế giới, không còn cảnh tăm tối, biệt lập như xưa.

Được tiếp cận với các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con đã nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kiến thức và kinh nghiệm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Hiện nay, bà con cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như bắp cải, súp lơ, mướp đắng...

Đổi thay rõ rệt nhất phải kể đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn nằm trên địa bàn thôn Mười. Sau 1 năm có điện, các phòng học được trang bị thiết bị thông minh, máy chiếu, quạt trần... Nhờ đó, chất lượng dạy và học của thầy và trò nhà trường không ngừng được nâng lên.

Vui mừng trước sự đổi thay của nhà trường, Hiệu trưởng Nguyễn Thế Tài cho biết: Từ khi có điện, phụ huynh quan tâm hơn tới việc học của con em mình. Mỗi gia đình đều dành cho con mình góc học tập riêng, có bàn ghế đúng quy chuẩn và có điện chiếu sáng. Phụ huynh có điều kiện còn mua sắm tủ sách, trang trí góc học tập và mua sách nâng cao, truyện đọc phù hợp với lứa tuổi để các em học tập, giải trí.

“Có điện, đời sống giáo viên cũng đỡ vất vả hơn trước. Thông tin liên lạc thông suốt nên những người xa nhà có thể liên lạc về với gia đình thường xuyên hơn. Việc giảng dạy, sinh hoạt cũng thuận lợi hơn nhiều, chúng tôi rất phấn khởi”, thầy Tài nói.

Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết: Sau 1 năm có điện đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân các thôn Son, Bá, Mười. Bà con mạnh dạn thay đổi cách thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật... Cũng nhờ có điện, một số doanh nghiệp đã về đây đầu tư sản xuất các loại rau màu, cây ăn quả, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Nhờ đó, nhiều hộ trên 3 bản đã thoát nghèo. Xã Lũng Cao ra khỏi diện xã nghèo của toàn huyện. Hiện xã đang khuyến khích các hộ gia đình có điều kiện phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.