Nhiều ngôn ngữ DTTS đang dần bị “bỏ quên”
Theo Phó GS. TS ngôn ngữ học Tạ Văn Thông, hiện nay, có 27/53 DTTS ở Việt Nam đã có bộ chữ viết riêng. Các dân tộc này có hệ thống chữ cổ truyền hoặc mới, có chữ dạng vuông gốc Hán (trong đó có các hệ chữ Nôm), dạng Sanskrit, dạng Latin và cả dạng chữ hình vẽ. Có dân tộc có tới vài ba bộ chữ như Chăm, Thái, Tày, Mông....
Nhưng thực tế, trong sự đa dạng này, một số ngôn ngữ đang dần bị “bỏ quên”. Đó là hệ thống chữ viết của các dân tộc rất ít người đang đứng trước nguy cơ thất truyền như Pà Thẻn, Pu Péo, La Ha, Bố Y, Cơ Lao, Co, Rơ Măm...
Bởi các hệ thống chữ DTTS nói trên có phạm vi sử dụng rất hẹp, chưa được nhiều người biết, nên không có được ích lợi rõ rệt. Thế nên, chúng khó bảo tồn, kế thừa và phát triển, khó phát huy vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hóa. Nếu không có những khích lệ, tạo môi trường hay chính sách thì việc giữ gìn ngôn ngữ sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Để ngôn ngữ DTTS có thể tồn tại và bình đẳng với ngôn ngữ khác, tạo nên sự đa dạng văn hóa, thì một trong các giải pháp không thể bỏ qua trong thời đại công nghệ 4.0 là công tác số hóa. Việc thu thập, lưu trữ để xây dựng ngân hàng dữ liệu số không chỉ giúp cho người bản ngữ có ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ, mà còn hình thành một kho tài nguyên thông tin đầy đủ, chân thực, giúp cho các thế hệ nghiên cứu hiện tại và sau này có tư liệu chính xác.
Cần một chính sách và sự chung tay…
Tuy nhiên, công tác số hóa hiện nay cũng đang gặp không ít trở ngại. Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), Trưởng nhóm phần mềm Vietkey được mời tham gia Dự án số hóa ngôn ngữ các DTTS tại Việt Nam, do Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) triển khai chia sẻ, trong những năm qua, các dự án số hóa ngôn ngữ DTTS nhận được sự quan tâm của các nhà ngôn ngữ học tâm huyết. Đã xuất hiện nhiều nhóm phần mềm làm các bộ gõ và Font chữ các DTTS một cách tự phát.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất là số lượng chuyên gia hiểu biết cả về ngôn ngữ và CNTT còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thông tin về ngôn ngữ của các dân tộc rất khó; Một số Font chữ DTTS đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn ký tự Unicode, khi đưa lên Internet thì sẽ hiển thị ký tự chuẩn của Unicode chứ không phải ký tự riêng của các dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một quy hoạch tổng thể về phân bổ ký tự cho ngôn ngữ các DTTS. Thực trạng chung vẫn là mạnh ngôn ngữ nào thì làm ngôn ngữ đó.
Theo ông Tuấn, chúng ta phải xây dựng quy hoạch tổng thể về số hóa ngôn ngữ các DTTS, rồi mới đến những việc làm cụ thể. Đầu tiên, các chuyên gia ngôn ngữ học phải xây dựng hoàn thiện bộ chữ rồi đến lượt các chuyên gia CNTT mã hóa cho từng bộ chữ. Khi có mã thì mới xây dựng bộ Font chữ, bộ gõ rồi đến các công cụ hỗ trợ cho chuyển đổi số.
Để đồng bào các DTTS được bình đẳng trong không gian số hóa, rất cần những chính sách, giải pháp cụ thể của Chính phủ. Ngoài ra, cần sự vào cuộc tích cực của các văn nghệ sĩ người DTTS, các chi hội văn học nghệ thuật các DTTS ở các địa phương, cộng đồng trí thức người DTTS.