Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều mô hình dạy tiếng dân tộc đang được nhân rộng

PV - 15:26, 10/07/2018

Những năm qua, công tác dạy và học chữ dân tộc cho học sinh DTTS luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, các mô hình xã hội hóa của Hội Khuyến học, Ban Quản trị các chùa Khmer, các hội tương tế, các vị achar… đã góp phần không nhỏ nhằm duy trì, nhân rộng những điểm dạy chữ dân tộc trong cộng đồng khu vực Tây Nam bộ.

Xã hội hóa dạy chữ Khmer

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có hơn 67 nghìn người dân tộc Khmer theo các cấp học. Tổng số học sinh học chữ Khmer là hơn 19 nghìn, trong đó cấp tiểu học là hơn 15 nghìn; cấp trung học cơ sở là hơn 3 nghìn và cấp trung học phổ thông là 739 em.

dân tộc Vào dịp hè, chùa Khmer Trà Mòn, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đều tổ chức dạy tiếng dân tộc cho các em học sinh.

Chữ Khmer được xem như linh hồn của đồng bào dân tộc. Dạy chữ cho cấp tiểu học chủ yếu giúp cho học sinh các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc và viết chữ. Trên cơ sở học âm vần và thực hành giao tiếp văn bản, thực hành ngôn ngữ, học sinh bước đầu có kiến thức đơn giản.

Tuy nhiên hiện nay, việc dạy và học chữ Khmer ở các trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Thiệt thòi nhất là các học sinh vùng có ít đồng bào dân tộc, trường học không tổ chức lớp học song ngữ; số tiết học chữ Khmer ở các lớp song ngữ không nhiều, học sinh phải dành nhiều thời gian để theo học chương trình phổ thông… Vì vậy, bên cạnh việc dạy và học chữ Khmer tại các trường phổ thông, nhiều địa phương ở Trà Vinh đã phát triển và nhân rộng mô hình xã hội hóa dạy chữ Khmer trong cộng đồng.

Achar Kim Sô Phol ở ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành chia sẻ, giữ được chữ viết là giữ được tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình. Với suy nghĩ đó, từ năm 1993, ông bắt đầu tham gia dạy chữ Khmer cho các vị sư ở chùa, dạy bổ túc nâng cao chữ Khmer cho các em học sinh trong ba tháng hè. “Ngoài niềm tin và tâm huyết, việc được dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc mình là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau”, achar Kim Sô Phol bộc bạch.

Ngoài các điểm dạy chữ Khmer trong chùa, các vị achar và trưởng ban nhân dân ấp còn tận tâm kèm cặp chữ viết cho các em nhỏ tại địa phương. Ông Sơn Thuôn Đa, Trưởng ban nhân dân ấp Thanh Trì B cho hay: “Năm nay là năm thứ 3, tôi dạy chữ Khmer tại nhà. Mùa hè này có 25 em học sinh tham gia học đọc và viết. Tôi chia ra làm 2 nhóm học, các em học khá được vào một nhóm. Tôi dạy hoàn toàn miễn phí, em nào không có tập vở, tôi đi vận động xin cho các em để có điều kiện học tiếng mẹ đẻ của mình”.

Không chỉ riêng ở Trà Vinh mà các địa phương khác trên địa bàn Tây Nam bộ, thời điểm này tại các chùa đã bắt đầu nhộn nhịp công tác chuẩn bị cho việc dạy tiếng dân tộc vào dịp hè. Ông Thạch Dương, Trưởng Ban Dân tộc Vĩnh Long chia sẻ: Ở Vĩnh Long có khoảng 1.000 em học sinh học tiếng Khmer ở 5 trường tiểu học theo chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn lại là các em được học tiếng dân tộc tại các điểm chùa.

Còn tiếng Khmer, hè năm 2018 đã khai giảng 37 lớp, tại 23 điểm dạy là chùa Khmer, các điểm sinh hoạt cộng đồng và trường học. Có tất cả hơn 50 người tình nguyện dạy miễn phí hoàn toàn cho hơn 800 em.

Dạy chữ Hoa miễn phí

Tại Cà Mau, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Tương tế người Hoa, Phòng Dân tộc các huyện và TP. Cà Mau phối hợp tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, chữ Hoa, góp phần phát huy gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc ngày một tốt hơn.

Ông Triệu Quang Lợi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, Ban Dân tộc tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các lớp dạy tiếng dân tộc dịp hè. Kinh phí dự trù cho hè 2018 là 450 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2009, Trung tâm tiếng Hoa Dục Tài phường 2, TP. Cà Mau đã được thành lập. Cơ sở vật chất ban đầu và kinh phí hoạt động của Trung tâm phần lớn do Hội Tương tế người Hoa hỗ trợ, với mục đích dạy tiếng Hoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thu tiền.

“Việc giảng dạy chữ Hoa tại Trung Tâm tiếng Hoa Dục Tài trong những năm qua là việc làm rất thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, vừa giúp cho con em đồng bào dân tộc hiểu và biết được chữ Hoa. Qua đó, giáo dục mọi người tôn trọng phong tục tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Lợi nhận định.

Hè năm 2018 này, Trung tâm tiếng Hoa Dục Tài tổ chức 7 lớp học với hơn 100 học viên, thời gian mỗi khóa là 10 tuần. Qua 4 năm thực hiện, đã có khoảng 1.680 em được tham gia học chữ Hoa miễn phí ở Trung tâm.

NHƯ TÂM

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.