Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Buôn Lê Diêm - Điểm du lịch hấp dẫn

Đạt Thành Nhân - 11:17, 14/02/2020

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Yên, giáp với tỉnh Đăk Lăk, Sông Hinh là nơi sinh sống của cộng đồng 4 dân tộc thiểu số gồm: Ê-đê, Ba Na, Jrai và Chăm H’roi, trong đó dân tộc Ê-đê sống chủ yếu ở buôn Lê Diêm- cái nôi của những lễ hội cộng đồng.

Du khách trải nghiệm nghề truyền thống của đồng bào Ê-đê buôn Lê Diêm
Du khách trải nghiệm nghề truyền thống của đồng bào Ê-đê buôn Lê Diêm

Dấu ấn văn hóa truyền thống

Buôn Lê Diêm có 160 hộ là đồng bào dân tộc Ê-đê cũng là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám phá văn hóa các dân tộc khi đến với Phú Yên. 

Ở buôn Lê Diêm có nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc, hát múa, điêu khắc, văn học dân gian truyền miệng. Ông Ma Hồng cho biết: Nếu như các lễ hội đã gắn bó và theo suốt cả một đời người, một vòng cây trồng thì nhạc cụ cồng chiêng, điệu múa xoang, trường ca và nghệ thuật điêu khắc không bao giờ vắng bóng trong đời sống cộng đồng người Ê-đê nơi đây.

Ngoài những lễ hội dân gian, người Ê-đê ở buôn Lê Diêm còn lưu giữ được văn hóa ẩm thực truyền thống vô cùng đặc sắc. Theo già làng Oi Ký: “Ngoài các món ăn dân dã từ thịt bò, thịt gà, cá sông nướng với muối ớt sả, trong ngày lễ hội, người Ê-đê không thể thiếu rượu ché. Đây là thứ rượu ủ bằng gạo lúa rẫy với men làm bằng nguyên liệu lá cây, củ, rễ trên rừng”.

Điều đặc biệt làm nên sự cuốn hút ở Lê Diêm thường diễn ra vào ban đêm. Khi mặt trời tắt nắng, ngọn lửa khai hội được thổi bùng lên, các chàng trai, cô gái Ê-đê duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống bước ra sân cùng nắm chặt tay nhau dập dìu trong điệu nhảy a ráp. Tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm, lục lạc, xập xèng hòa quyện vào nhau, tạo thành những âm thanh rộn rã, ngân xa. Ché rượu cần được mở ra, những cô gái Ê-đê cúi xuống vít cần, mời rượu du khách đến với buôn làng.

Phát huy giá trị văn hóa dân gian phục vụ du lịch

Để buôn Lê Diêm thực sự trở thành điểm đến của du khách gần xa, thời gian qua, huyện Sông Hinh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trước khi được công nhận là điểm du lịch văn hóa cộng đồng, buôn Lê Diêm đã được đầu tư một số hạng mục, sản phẩm như: nhà rông văn hóa, các vật dụng, trang phục và nhạc cụ…

Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh, buôn Lê Diêm là nơi được tỉnh lựa chọn đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng của địa phương. Đây cũng là buôn đầu tiên ở huyện miền núi Sông Hinh được công nhận buôn văn hóa. Cán bộ và bà con nơi đây đã ý thức được niềm vinh dự của buôn làng nên luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Điều đáng quý, cư dân ở đây rất hiếu khách và biết chiều lòng du khách khi đến với buôn làng.

Những năm qua, địa phương đã lựa chọn các gia đình tiêu biểu tham gia những mô hình văn hóa, câu lạc bộ nghề truyền thống để truyền dạy cho các em tuổi từ 12-14 trở thành lớp kế cận. Hàng năm, buôn làng cũng duy trì các đội tham gia hội thao văn hóa các dân tộc ở Sông Hinh như lễ hội đua thuyền truyền thống, liên hoan cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong đám cưới, lễ bỏ mả, lễ cúng nhà mới, lễ cúng vòng đời... cũng được giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ và được giới thiệu đến du khách.

Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, trong quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2025, hướng khai thác và sản phẩm du lịch chủ yếu của Sông Hinh sẽ là du lịch sinh thái rừng và văn hóa bản địa.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.