Làm rõ nguyên nhân chồng chéo
Cách đây 4 năm, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH 14 phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về tình trạng chống chéo, trùng lắp, chỗ thừa, chỗ thiếu trong hệ thống chính sách dân tộc. Tính đến tháng 10/2018, với việc có 118 chính sách đang còn hiệu lực thực hiện, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhưng hệ thống chính sách lại có tình trạng chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác. Phân tích thực trạng này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 10/2018 có 118 chính sách, nhưng thực tế, đây là 118 văn bản chính sách chứ không phải là chính sách. Nhiều chính sách không liên quan đến đối tượng DTTS như các nghị định về khuyến công, khuyến nông, phát triển thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp, phát triển ngành nghề,… cũng được tính là một chính sách dân tộc.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trước hết là chưa làm rõ thẩm quyền ban hành chính sách dân tộc. Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước. Tính đến năm 2019, Quốc hội đã ban hành 86 luật với 218 điều khoản có quy định liên quan đến chính sách dân tộc. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy, tính đến năm 2019, Quốc hội đã ban hành 86 luật và nhiều nghị quyết có quy định liên quan đến chính sách dân tộc, nhưng mới chỉ có 38/86 luật và 3/20 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chính phủ cụ thể hóa trong các chính sách dân tộc.
Thực tế, thẩm quyền ban hành chính sách dân tộc mới được quy định tại Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013. Nhưng Quốc hội quyết định chính sách dân tộc ở tầm nào và giao Chính phủ quy định cụ thể các chính sách ở tầm nào thì hiện vẫn chưa có văn bản pháp quy nào quy định rõ ràng.
Vì vậy, với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 19/11/2019 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tiếp đó là Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là một bước cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Trước đó, trong Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018, Quốc hội cũng đã “giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định”.
Giải bài toán “chính sách chờ vốn”
Việc Quốc hội quyết định chính sách dân tộc với chiến lược dài hơi cơ bản khắc phục được các hạn chế, bất cập trong việc ban hành chính sách dân tộc của giai đoạn trước, nhất là tình trạng chồng chéo, chung chung, dàn trải, vừa thừa, vừa thiếu. Đặc biệt, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc đã cơ bản giải được bài toán “chính sách chờ vốn” kéo dài trong nhiều năm qua.
Thực tế cho thấy, một thực trạng, đúng hơn là một hạn chế rất lớn trong việc triển khai các chính sách dân tộc từ nhiều năm nay, là thiếu nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc đã ban hành. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, cũng như kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ngoài Chương trình 135 được bố trí đủ nguồn lực, thì hầu hết các chính sách dân tộc đều bố trí chưa đến 50% tổng nguồn lực thực hiện.
Thậm chí, có một số chính sách sẽ hết hiệu lực cuối năm 2020, nhưng đến trước thời điểm Quốc hội quyết nghị thông qua Đề án Tổng thể vẫn chưa bố trí được vốn để thực hiện. Đó là chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT – XH vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg; chính sách bảo vệ, phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ đến nay cũng mới chỉ bố trí được 18% nhu cầu vốn…
Bài toán này đã được giải khi Quốc hội quyết nghị chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng Chương trình MTQG thực hiện trong giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, với tổng vốn dự kiến gần 137.665 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí được dự toán sẵn nên ngay sau khi có Quyết định 1719/QĐ-TTg, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các dự án thành phần của Chương trình MTQG. Nhưng do khối lượng công việc quá lớn, nhiều nội dung phải triển khai nên đa số các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đều chưa thể giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án, buộc phải đề xuất chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục thực hiện.
Trước thực tế khó bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn các chính sách, ngày 1/11/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 614/TTr-CP trình Quốc hội xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) của các chương trình MTQG chưa giải ngân hết trong năm 2023, sang thực hiện trong năm 2024.
Quốc hội khóa XV đã nhất trí với tờ trình của Chính phủ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề về 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, ngày 29/11/2023.
Nguồn lực được bố trí đủ, kịp thời nên các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ trong Chương trình MTQG 1719 đã phát huy hiệu quả, giải quyết những vấn đề cấp bách của đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sau 03 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719/QĐ-TTg đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong tư duy thực hiện chính sách của các cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như cách tiếp cận chính sách đầu tư, hỗ trợ của đồng đồng bào các DTTS.
Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội khóa XIV phê duyệt tại Nghị quyết số 120/QH14, với số phiếu đồng thuận tuyệt đối 100% của các đại biểu Quốc hội có mặt. Sự kiện này được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật nhất trong hoạt động của Quốc hội năm 2020.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.