Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bước tiến mới của lĩnh vực công tác dân tộc: Lấp đầy “khoảng trống” chính sách (Bài 2)

Sỹ Hào - 11:36, 06/12/2023

Một trong những yêu cầu khi xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi là phải giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực chính sách dân tộc của giai đoạn trước, nhất là xóa “khoảng trống” chính sách do tư duy nhiệm kỳ. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tính đến tháng 10/2018, có 118 chính sách đang còn hiệu lực triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất cho đồng bào xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu)
Tính đến tháng 10/2018, có 118 chính sách đang còn hiệu lực triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất cho đồng bào xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu)

Nhận diện những “khoảng trống”

Trước khi Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018 giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội đã được giao nhiệm vụ thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách dân tộc trong 03 năm (2016-2018). Kết quả thẩm tra đã chỉ ra những “khoảng trống” trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo đánh giá của HĐDT của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách và đã đạt được những kết quả trong hỗ trợ phát triển KT-XH đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, hạn chế của chính sách là manh mún, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng; mục tiêu chính sách đề ra lớn,c nhưng thời gian và nguồn lực bố trí hạn chế, thường phải kéo dài thêm.

Trong Báo cáo số 526/BC-CP ngày 4/10/2018 của Chính phủ cho biết, tính đến tháng 10/2018, có 118 chính sách đang còn hiệu lực triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, theo thẩm tra của HĐDT của Quốc hội, có nhiều chính sách không liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS.

Chính sách đầu tư, hỗ trợ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. (“Lễ ăn trâu mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam).
Chính sách đầu tư, hỗ trợ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. (“Lễ ăn trâu mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam).

Cụ thể, theo cơ quan thẩm tra, trong số 54 chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực (tính đến tháng 10/2018), chỉ có 16 chính sách qui định cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; 18 chính sách qui định cho người DTTS, người công tác tại vùng đồng bào DTTS, đặc biệt khó khăn; có 9 chính sách qui định trực tiếp cho người DTTS, còn 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước. Còn 64 chính sách chung là áp dụng cho toàn quốc, hoặc phạm vi vùng, rất nhiều chính sách không liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS.

Đặc biệt, HĐDT của Quốc hội đánh giá, việc ban hành các chính sách trong giai đoạn 2016 – 2018 còn mang tính ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, thiếu tính chiến lược, vì vậy, có chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện. Đơn cử như Quyết định số 33/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015, hết năm 2015 là không còn hiệu lực, nhưng đến ngày 10/8/2015 mới ban hành. Điều này đã tạo ra “khoảng trống” chính sách, đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận trong Báo cáo số 526/BC-CP ngày 4/10/2018 về đánh giá 03 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thay đổi tư duy làm chính sách

Những tồn tại trong 03 năm (2016 – 2018) thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng là hạn chế từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Điều này đã được Trung ương chỉ rõ trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc.

Hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cạn các dịch vụ xã hội cơ bản
Hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW, thời gian qua, chính sách, pháp luật được ban hành chủ yếu là hỗ trợ, chưa ưu tiên tập trung đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính sách tuy nhiều nhưng chưa chú trọng đúng mức phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hoá của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với vùng phát triển; một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào DTTS vươn lên, tự lập trong cuộc sống…

Những hạn chế này dẫn tới kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung chuyển biến chậm. Do đó, việc thay đổi tư duy làm chính sách là yêu cầu cấp thiết để tạo động lực đột phá cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Ngày 30/10/2019, Bộ Chính khóa XII đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW tiếp tục thực hiện tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. Kết luận số 65-KL/TW đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp đột phá để đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó yêu cầu phải thay đổi tư duy làm chính sách.

“Các chính sách phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS”, Kết luận số 65-KL/TW chỉ rõ.

Đây là yêu cầu tất yếu, khách quan và cấp thiết. Bởi sau nhiều năm Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng “lõi nghèo” của cả nước; nhiều vấn đề cấp bách của đồng bào DTTS chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì những hạn chế trong xây dựng, ban hành, thực thi chính sách là nguyên nhân chủ quan cần được khắc phục bằng tư duy mới. Trong đó, phải chuyển từ hỗ trợ sang tập trung đầu tư toàn diện; hướng đến sự phát triển bền vững của vùng bằng nguồn lực nội sinh, nguồn lực Nhà nước là hỗ trợ, thúc đẩy.

Các chính sách phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)
Các chính sách phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Kết luận số 65-KL/TW một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng ta về công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Chủ trương của Đảng tại Kết luận số 65-KL/TW đã được thể chế hóa trong Đề án Tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019. Đề án không chỉ khắc phục tư duy nhiệm kỳ trong xây dựng chính sách mà đã có bước tiến mạnh mẽ trong định hướng đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận này. Đồng thời giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng “Đề án Tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi” và “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.