Một trong những mục tiêu và đặc trưng của CNXH được chỉ rõ trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (tháng 6/1991) là các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Cương lĩnh tiếp tục được bổ sung, phát triển vào năm 2011, là “kim chỉ nam” để xây dựng, ban hành và thực hiện hệ thống chính sách dân tộc bao trùm, theo nguyên tắc: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Chủ trương xuyên suốt
Trong Cương lĩnh vắn tắt đầu tiên (năm 1930), Đảng ta đã phác thảo về một xã hội Việt Nam trong tương lai. Đó là một xã hội độc lập, tự do, hạnh phúc; Nhân dân được tự do, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục. Mặc dù mới chỉ là phác thảo về một xã hội mới, nhưng Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã phản ánh được tính ưu việt của xã hội mà Nhân dân ta đang hướng tới.
Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tại Đại hội VII, lần đầu tiên, Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong điều kiện hòa bình. Đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” năm 1991.
Một trong những mục tiêu và đặc trưng của xã hội XHCN được Cương lĩnh năm 1991 xác định là xây dựng một xã hội trong đó mọi tầng lớp Nhân dân đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Cương lĩnh năm 1991 được phát triển vào năm 2011; trong đó tiếp tục khẳng định con đường XHCN, đồng thời bổ sung những nội dung mới phù hợp với những xu thế lớn của thời đại - đó là xu thế “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”.
Theo Gs.Ts Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, CNXH mà Nhân dân ta đang xây dựng nhất thiết phải bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, về lịch sử ra đời sớm hay muộn, trình độ phát triển cao hay thấp. Đối lập với các chế độ áp bức bóc lột thường phân biệt, kỳ thị và chia rẽ các dân tộc, CNXH mà Nhân dân ta đang hướng tới gắn liền với việc xây dựng tình đoàn kết các dân tộc, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc hiện nay.
Thực tiễn hơn 35 năm Đổi mới đất nước đã và đang chứng minh tính ưu việt trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, chứng minh tính ưu việt của CNXH trong giải quyết các quan hệ dân tộc ở Việt Nam. Nhờ đó đã và đang phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tính đồng thuận trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch.
Bảo đảm bình đẳng trong phát triển
Quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, những năm qua, Nhà nước đã ban hành và đảm bảo thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV (tháng 6/2023), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã khẳng định, công tác dân tộc được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện trong những năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DTTS có điều kiện phát triển bình đẳng. Hệ thống chính sách được xây dựng, thực hiện trên nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” không chỉ thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trên tất cả các lĩnh vực mà còn kéo gần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.
Báo cáo số 1770/BC-UBDT ngày 17/12/2020 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân đạt trên 7%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước; trong đó, các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,4%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 8,1%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,3%/năm..
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào DTTS và miền núi cả nước là 18%, cận nghèo là 10%. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ được thiết kế nhằm bảo đảm mức tiếp cận bình đẳng giữa các dân tộc trong các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có sự ưu tiên tương đối dành cho những dân tộc có khó khăn hơn.
Với việc bảo đảm bình đẳng cho phát triển trong thực hiện chính sách dân tộc, đến nay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ và vừa đã đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất của người dân.
Để tiếp tục phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị yêu cầu: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. Việc liên tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc để phù hợp với tình hình mới cho thấy tính ưu việt của một xã hội tương lai mà Đảng và Nhân dân ta đảng xây dựng.
Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật năm 2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, CNXH là: i) “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”; ii) “sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”; iii) “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”; iv) “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”; v) “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân”.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.