Mục tiêu lớn
Nghị định số 02/CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/01/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh trên diện tích đất rừng sản xuất, đất lâm nghiệp. Đảm bảo cho người dân sống ở khu vực miền núi, đồng bào DTTS có đất, có rừng để sản xuất phát triển kinh tế.
Sau khi Nghị định được ban hành, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng kiểm kê phân loại rừng, đất lâm nghiệp. Đồng thời, thực hiện giao đất, giao rừng cho Nhân dân theo Nghị định 02 và Nghị định 163 của Chính phủ.
Theo Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng năm 2015, toàn tỉnh có 1.236.259,31 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý theo Nghị định số 02 và Nghị định 163 trên 240.000 ha. Chính quyền địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng được trên 50,8%, trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao.
Giao đất lâm nghiệp, giao rừng có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi phát triển. Chấm dứt nghịch lý “người dân sống ở rừng nhưng không có đất để sản xuất”.
Chỉ tính riêng ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An), đến hết tháng 5/2021 đã có 34.313,45 ha rừng, đất lâm nghiệp được giao cho hộ gia đình và cộng đồng, thôn bản quản lý và sử dụng. Là huyện miền núi, Quỳ Châu có 12 xã thị trấn, với 77,5% dân số là người DTTS. Nghị định 02 và Nghị định 163, như mở ra một cánh cửa mới để đồng bào DTTS phát triển kinh tế từ diện tích đất rừng sản xuất, đất lâm nghiệp được giao.
Đã có những hộ gia đình người dân tộc Thái, được giao hàng chục ha đất, trong đó có nhiều diện tích đất là rừng sản xuất. Như hộ gia đình ông Vi Văn Phong ở bản Lìm, xã Châu Phong (Quỳ Châu), được giao 52,3 ha đất lâm nghiệp từ những năm 1997. Diện tích đất này của ông Phong đã được Nhà nước cấp lâm bạ (bìa xanh).
Cùng với hộ ông Phong, 36 hộ gia đình người Thái tại bản Lìm cũng được cấp đất đồng loạt với tổng diện tích là 2.312,9 ha đất lâm nghiệp.
Không riêng gì huyện Quỳ Châu, hầu hết các huyện miền núi ở Nghệ An như Tân Kỳ, Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương,… người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào các DTTS đã được cấp đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất. Điều đó thể hiện những chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào các DTTS.
Tuy nhiên, để đất rừng sản xuất, đất lâm nghiệp thực sự đã mở ra cánh cửa, giúp đồng bào phát triển kinh tế hay không phần lớn phụ thuộc vào cách sử dụng quỹ đất, diện tích rừng đã được giao.
Hiệu quả chưa cao
Kỳ vọng đất và rừng được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163, là “cần câu” để bà con phát triển kinh tế hộ gia đình;Từng bước giúp đồng bào các DTTS phát triển toàn diện, để miền ngược dần theo kịp miền xuôi. Thế nhưng trên thực tế, kỳ vọng đó chưa đạt được khi đồng bào chưa phát huy được hiệu quả kinh tế trên diện tích đất rừng đã được Nhà nước giao.
Theo kết quả xác minh ngày 21/07/2021 của đoàn công tác UBND huyện Quỳ Châu phối hợp với đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã kết luận: “Công tác giao đất lâm nghiệp chưa đảm bảo đúng quy định, quy trình, cụ thể: Lập hồ sơ, tài liệu chưa đầy đủ. Nội dung giữa bản đồ và thực địa không trùng nhau. Khi giao đất cho các chủ rừng không đi nhận thực địa, nên không biết đất của mình ở đâu…”.
Việc không trồng trọt hay trồng trọt không hiệu quả trên diện tích đất được giao, gây ra một sự lãng phí rất lớn về tài nguyên đất. Kỳ vọng để “miền ngược dần theo kịp miền xuôi” từ chủ trương giao đất, giao rừng của Nghị định 02 và Nghị định 163 khó đạt được. Lý do đưa ra nghe rất hợp lý “đồng bào” không đủ tiềm lực!
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu thừa nhận: “Đối với diện tích đất rừng sản xuất được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163, thời gian đầu đồng bào chỉ dùng để chăn thả gia súc, nhưng đến nay bà con đã trồng keo nguyên liệu. Còn đối với diện tích rừng tự nhiên, khi giao cho bà con thì còn nhiều băn khoăn. Đã có một vài trường hợp phải xử lý hình sự vì vi phạm trong việc bảo vệ rừng…”.
Trên thực tế, giao đất rừng cho đồng bào, để rồi bà con bỏ hoang là thực trạng có thật. Đơn cử, hộ ông Vi Văn Phong ở bản Lìm, xã Châu Phong được giao 53,2 ha đất từ năm 1997, thế nhưng mãi đến những năm 2018-2020, ông mới phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Tâm Phúc để trồng keo.
Không chỉ ông Phong, ở bản Lìm nhiều hộ gia đình người Thái sau khi được giao đất giao rừng theo Nghị định 02 và Nghị định 163 cũng chỉ để bỏ hoang. Thậm chí, có những gia đình còn không biết đất của mình nằm đâu!
Ngay cả chính quyền địa phương, cũng đã thể hiện nhiều nội dung bất cập trong việc giao, quản lý diện tích đất lâm nghiệp được cấp theo Nghị định 02 và Nghị định 163.
Theo kết quả xác minh ngày 21/07/2021 của đoàn công tác UBND huyện Quỳ Châu phối hợp với đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã kết luận: “Công tác giao đất lâm nghiệp chưa đảm bảo đúng quy định, quy trình, cụ thể: Lập hồ sơ, tài liệu chưa đầy đủ. Nội dung giữa bản đồ và thực địa không trùng nhau. Khi giao đất cho các chủ rừng không đi nhận thực địa, nên không biết đất của mình ở đâu…”.
Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng chưa hiệu quả diện tích đất, rừng được giao tại huyện miền núi Quỳ Châu. Hệ lụy từ việc làm tắc trách này cũng đã hiện hữu, đã có đơn thư khiếu kiện, tranh chấp… chính quyền địa phương lại rơi vào tình trạng “bối rối” do thiếu căn cứ pháp lý để giải quyết khi phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng, đất rừng được giao đã bị sang nhượng trái phép, khó khăn trong công tác quản lý.
Bài 2: Báo động tình trạng chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái phép