Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thu hồi đất cấp sai đối tượng để giao lại cho dân nghèo tại Quỳ Châu: Chính quyền đẩy phần khó cho dân

PV - 11:20, 03/08/2018

Năm 2014, UBND huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã triển khai thu hồi hơn 90ha đất lâm nghiệp ở Khe Bấn cấp sai đối tượng theo Nghị định 163/CP để giao cho 32 hộ nghèo thuộc bản Lè, xã Châu Hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là, cùng với chủ trương trên, chính quyền huyện lại “bật đèn xanh” cho các hộ bị thu hồi có thể đến UBND xã nơi có đất để đăng ký, làm thủ tục tiếp tục… đăng ký thuê đất nếu có nhu cầu sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc đất cấp sai đối tượng không được giao trả còn dân nghèo thì mòn mỏi chờ đợi.

Dân bức xúc

Gia đình chị Vi Thị Loan và anh Lương Văn Ngọc là 1 trong 32 hộ nghèo được UBND xã Châu Hội xét giao đất lâm nghiệp ở Khe Bấn, với diện tích 1,7ha. Chị Loan cho biết: “Khi biết gia đình được xét giao đất chúng tôi rất vui vì nghĩ sẽ có việc làm, có thu nhập. Nhưng ngày chúng tôi được đưa đi nhận đất tại thực địa, thì thấy trên đất đã có cây keo người ta trồng. Tìm hỏi chủ vườn thì họ không có mặt ở đó. Những người làm thuê thì nói chúng tôi không có quyền đòi đất. Vậy nên đến giờ chúng tôi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nên chẳng biết làm sao...”.

Khu đất tranh chấp mà người dân bản Lè chưa được tiếp cận sản xuất nằm cạnh Quốc lộ 48. Khu đất tranh chấp mà người dân bản Lè chưa được tiếp cận sản xuất nằm cạnh Quốc lộ 48.

Ông Vi Văn Kiên, Trưởng bản Lè cho biết: Bản Lè nằm sát Quốc lộ 48 với 197 hộ, 882 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 40%. Hiện nay mới chỉ có hơn 50% hộ được giao đất lâm nghiệp. Năm 2014, có 32 hộ nghèo của bản được giao đất lâm nghiệp ở Khe Bấn nhưng chưa được nhận đất để sản xuất.

“Các đối tượng do huyện giao đất sai đối tượng trước đây không tự giác giao trả đất cho người dân bản Lè tiếp cận để sản xuất. Chi bộ và người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện, đại biểu HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Kiên bức xúc.

Mặc dù 32 hộ nghèo ở bản Lè đã được giao đất và đã ký nhận nhưng trên thực tế đến nay, đất của các hộ dân chỉ đang nằm trên giấy. Ông Lữ Văn Lâm, cán bộ địa chính xã Châu Hội cho biết: Các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng trước đây không phải là người trên địa bàn nên họ không phối hợp với UBND xã, không chấp hành nội dung UBND xã yêu cầu thực hiện giao trả lại đất. Đặc biệt, ngay sau khi thu hoạch cây họ lại thuê người trồng vụ mới luôn. Khi xã phát hiện, thì gặp khó khăn trong xử lý vì các đối tượng vi phạm họ đều là người làm thuê… Việc xử lý vi phạm cũng mới chỉ dừng lại ở mức lập biên bản kiểm tra, đình chỉ trồng mới và yêu cầu họ giao trả đất.

Chính quyền huyện “bật đèn xanh” cho người bị thu hồi

Liên quan đến việc thu hồi đất cho dân nghèo, ông Lang Anh Tý, Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết: Những bức xúc của người dân xã ghi nhận, nhưng rất khó giải quyết trong ngày một ngày hai.

Trong khi đó, tại Thông báo số 39/TB-UBND, 21/6/2007 về biện pháp giải quyết các trường hợp được giao đất theo Nghị định 163/CP sai đối tượng do bà Lang Thị Hồng, Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện ký lại có nội dung: các hộ có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất đã bị thu hồi, thì trực tiếp đến UBND xã nơi có đất để đăng ký, làm thủ tục thuê đất theo quy định, các phòng liên quan phối hợp UBND xã hướng dẫn các thủ tục thuê đất cho các gia đình cá nhân có nhu cầu. Chính kết luận này đã “bật đèn xanh” để các hộ gia đình đã bị thu hồi có thể “lạm dụng” không bàn giao đất.

Hiện tại, trên các diện tích đất lâm nghiệp tại Khe Bấn, các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng đã và vẫn tiếp tục đầu tư trồng rừng tù nhiều năm nay. Chính vì thế, chính quyền huyện Quỳ Châu các thời kỳ đều gặp nhiều khó khăn để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Thiết nghĩ, việc giao đất và thu hồi đất cho các cá nhân thuộc thẩm quyền UBND huyện Quỳ Châu. Vì thế, chính quyền huyện không thể thờ ơ để người dân tự giải quyết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Thời gian tới, đề nghị Chính quyền huyện vào cuộc xử lý đúng vai trò, trách nhiệm của mình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng trước đây không phải là người trên địa bàn nên họ không phối hợp với UBND xã, không chấp hành nội dung UBND xã yêu cầu thực hiện giao trả lại đất. Đặc biệt, ngay sau khi thu hoạch cây họ lại thuê người trồng vụ mới luôn. Khi xã phát hiện, thì gặp khó khăn trong xử lý vì các đối tượng vi phạm họ đều là người làm thuê…” (Ông Lữ Văn Lâm, cán bộ địa chính xã Châu Hội)

MINH THỨ - NHẬT LÂN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.