Dân không biết mình được cấp đất
Để người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi có điều kiện canh tác ổn định, Nhà nước có chủ trương cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho người dân theo hiện trạng đang sản xuất. Theo đó, ngày 25/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 672/QĐ-TTg về việc phê duyệt dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp sổ đỏ cho các gia đình, cá nhân, tổ chức và cộng đồng dân cư (viết tắt Dự án 672).
Trong “Đơn xin cứu xét” của 19 hộ đồng bào dân tộc Chăm, Ba Na ở xã Canh Hòa gửi đến Báo Dân tộc và Phát triển, các hộ dân này trình bày: Vào năm 2012, các hộ khai hoang lấy đất trồng rừng nguyên liệu giấy tại Tiểu khu 375B, thuộc địa phận xã Canh Hòa, với diện tích khoảng 35ha trồng keo. Keo trồng xong, bỗng dưng UBND xã Canh Hòa có thông báo phải nhổ bỏ keo.
Hầu hết người dân đều thực hiện theo “lệnh” của chính quyền. Thế nhưng, đến tháng 8/2019, những hộ dân nói trên phát hiện, đất do gia đình bỏ công sức khai hoang tại Tiểu khu 375B đã được UBND huyện Vân Canh cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho hộ dân khác. Những đối tượng được sở hữu hợp pháp phần đất ấy, hầu hết là cán bộ xã hoặc người nhà của cán bộ. Sau đó, những người này chuyển nhượng đất cho người khác để lấy tiền.
Ông Nguyễn Văn Bình, dân tộc Ba Na ở làng Canh Phước cho biết, ông là một trong những người khai hoang đất rừng ở khu vực núi có tục danh Ông Cao, tại Tiểu khu 375B. Nhưng đất rừng khai hoang này chính quyền địa phương đã lấy lại. Tuy nhiên, một thời gian sau, cũng trên phần diện tích đất rừng này, chính quyền lại cấp cho người khác.
“Diện tích này được cấp cho các hộ khác đã san phẳng gần hết rừng tự nhiên để trồng keo. Vô lý là tôi có tên trong danh sách cấp đất, nhưng lại không biết đất ở đâu và cũng không nghe chính quyền thông báo gì”, ông Bình bức xúc phản ánh.
Có dấu hiệu cán bộ trục lợi
Ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Mục tiêu của Dự án 672 là thực hiện đo đạc, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho người dân theo hiện trạng đang sản xuất. Sẽ chẳng có gì để nói nếu đất được cấp đúng đối tượng; đằng này, người dân không có đất canh tác thì không được cấp, mà cán bộ xã và người nhà cán bộ xã thì được cấp đất. Sau đó, những người được cấp đất chuyển nhượng lại cho người khác, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Ngoài việc cấp đất không đúng đối tượng, hiện nay, ở xã Canh Hòa việc sang nhượng đất rừng cũng hết sức phức tạp. Nhiều diện tích đất sau nhiều lần “sang tay”, cuối cùng thuộc quyền sở hữu của người ngoài địa phương, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Điệp, ở thị trấn Vân Canh. Năm 2018, bà Điệp nhận chuyển nhượng của ông Đoàn Văn Mức, cựu Chủ tịch xã Canh Hòa, thửa đất số 731a, khoảnh 1, thuộc địa bàn làng Canh Thành (xã Canh Hòa) với số tiền 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay bà Điệp không thể canh tác trên diện tích đất nói trên vì đã bị người dân lấn chiếm.
Được biết, trong danh sách nhận đất có nhiều người là cán bộ xã và họ hàng cán bộ xã. Đơn cử như ông Đoàn Văn Môn, nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, tại thời điểm được cấp 10ha đất rừng theo Dự án 672, ông Môn đang giữ chức Chủ tịch xã. Mới đây, ông Môn đã làm đơn trả lại diện tích đất rừng nói trên vì ông cho rằng, không phù hợp với diện tích, vị trí mà ông đã kê khai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh cho biết: Huyện ủy đã nhận được đơn cứu xét của 19 hộ dân tại làng Canh Thành. Hiện nay, Huyện ủy đã chuyển đơn qua UBND huyện để giải quyết. “Nếu phát hiện cấp sai đối tượng, huyện sẽ đề nghị thu hồi; hoặc cần thiết sẽ chuyển hồ sơ các cơ quan liên quan điều tra, khởi tố”, ông Thành khẳng định.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh thông tin tới bạn đọc.