Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được UBND huyện đặc biệt quan tâm, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Đời sống của đa số người dân phụ thuộc vào canh tác nương rẫy, sản xuất cây hoa màu ngắn ngày và trồng rừng nên vào mùa khô thường tranh thủ đốt dọn nương rẫy để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Điều này dẫn đến khả năng cháy rừng tăng cao, các lực lượng chức năng khó kiểm tra, kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Đặc biệt, nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; tình trạng phát, lấn chiếm rừng trái phép diễn ra khá phức tạp, gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng.
Cũng theo ông Thuận, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng; huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Huyện đặc biệt chú trọng hỗ trợ bà con ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị kinh tế trong hoạt động lâm nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.
Được biết, hiện nay, người dân Khánh Vĩnh rất chú trọng đến việc trồng keo để phát triển kinh tế. So với một số cây trồng khác, thì trồng keo vốn đầu tư thấp nhưng đầu ra khá thuận lợi giá cả ổn định.
Minh chứng như gia đình anh Nguyễn Đức Tuấn ở Tổ 1, thị trấn Khánh Vĩnh, trước đây, toàn bộ diện tích đồi nương của gia đình anh trồng cây ngắn ngày. Nhưng do thu nhập không ổn định, mất mùa nông sản rớt giá nên nhiều năm qua, anh đã quyết định chuyển 10ha đất của gia đình sang trồng keo. “Cây keo tuy đầu tư nhiều năm, nhưng thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác. Hiện, tôi có 10ha, năm tới dự kiến có khoảng 3ha keo được 4 năm tuổi chuẩn bị bán”.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, để định hướng cho bà con phát triển diện tích keo và bảo đảm nguồn thu nhập, huyện đã tạo điều kiện cho 1 doanh nghiệp chế biến bột giấy hoạt động tại xã Khánh Trung. Bước đầu doanh nghiệp đã tiến hành thu mua keo giấy với giá dao động từ 1 triệu đến 1,1 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án trồng rừng đã giúp nhiều gia đình có thêm công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định bền vững.