Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sản xuất lâm nghiệp 6 tháng cuối năm 2020: Nỗ lực duy trì mức tăng trưởng

PV - 14:42, 03/07/2020

So với cùng kỳ năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020, diện tích rừng trồng mới giảm, trong khi đó, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy lại tăng. Để duy trì mức tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp là điều không hề dễ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

 Diện tích rừng bị cháy tăng là thách thức đối với tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp. (Trong ảnh: Các lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ngày 28/6/2020)
Diện tích rừng bị cháy tăng là thách thức đối với tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp. (Trong ảnh: Các lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An ngày 28/6/2020)

Năm 2019 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành Lâm nghiệp. Trong năm này, cả nước đã trồng được gần 240 nghìn ha rừng, vượt 12,6% kế hoạch năm. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng trồng được 11 nghìn ha; rừng sản xuất 227 nghìn ha. Đặc biệt, để phục vụ công tác xuất khẩu gỗ và lâm sản, từ năm 2014 đến hết năm 2019, cả nước đã trồng được hơn 230 nghìn ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn…

Nhưng 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất lâm nghiệp bị chững lại trong tháng 3, tháng 4 và chỉ bắt đầu hồi phục từ tháng 5. Vì thế, đến hết tháng 6/2020, diện tích rừng trồng mới của cả nước (tập trung và phân tán) đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 73,7 nghìn ha, giảm 0,9%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22,8 triệu cây, giảm 3,8%.

Trong khi diện tích rừng trồng mới giảm so với cùng kỳ, thì diện tích rừng bị thiệt hại do cháy lại đang có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng, tăng 61 vụ so với cùng kỳ năm 2018; diện tích rừng bị cháy khoảng 930ha, tăng 705ha (hơn bốn lần số đơn vị cùng kỳ năm 2018). Còn trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 1.304ha rừng bị thiệt hại, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích rừng bị cháy là 975,6ha, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, nắng nóng kéo dài đang gây ra nguy cơ cháy rừng cao. Đây cũng là thách thức đối với ngành sản xuất lâm nghiệp trong nỗ lực duy trì mức tăng trưởng.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2019, giá trị sản xuất của toàn ngành Lâm nghiệp tăng 5%. Giá trị xuất khẩu lâm sản cả năm đạt 11,2 tỷ USD (đạt 107% so với kế hoạch), tăng 20% so với năm 2018.

Từ kết quả này, ngay từ đầu năm 2020, toàn ngành Lâm nghiệp đặt chỉ tiêu, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp khoảng 5 - 5,5%, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019; khai thác rừng trồng tập trung đạt 20,5 triệu m3…

Trước những diễn biến bất lợi đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và hạn hán diễn ra trên diện rộng, kéo dài, ngành Lâm nghiệp đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để ứng phó. Trong đó, công tác phòng, chống cháy rừng được ngành đặc biệt chú trọng. Ngày 26/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị đã có công điện khẩn gửi các địa phương đề nghị triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống cháy rừng.

Đặc biệt, do xác định được những khó khăn phía trước, nên ngành Lâm nghiệp đã chủ động đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng. Trong đó, ngành đã điều chỉnh chỉ tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản trong năm 2020 xuống khoảng 12 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019 (giảm 5% so với kế hoạch được đưa ra từ đầu năm).

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.