Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bằng sông Cửu Long: Cảnh báo cháy rừng khi mùa khô kéo dài

Song Vy - 10:07, 25/02/2020

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời điểm này, nhiều diện tích rừng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nguy cơ cháy rất cao. Trong khi đó, nguồn nước phòng chống cháy rừng đang dần cạn kiệt.

Kiểm lâm Kiên Giang tuần tra phòng chống cháy rừng. (Ảnh tư liệu)
Kiểm lâm Kiên Giang tuần tra phòng chống cháy rừng. (Ảnh tư liệu)

Những ngày này, nhiều cánh rừng tại vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang như: Núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, núi Sam, núi Dài, Cô Tô, Nam Quy… và diện tích rừng tràm vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh An Giang đã qua nhiều ngày nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cấp 5 là hơn 7.000ha, tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn…. 

Tại Bạc Liêu, rừng Vườn chim Bạc Liêu đang được dự báo nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Nhiệt độ trung bình đo tại khu rừng này là 320C, độ ẩm khoảng 50 - 56% và gió mạnh. Điều lo lắng hơn, là rừng Vườn chim Bạc Liêu cảnh báo cháy sớm hơn 1,5 tháng so với năm trước. Hiện mực nước ở các kênh, mương trong khu rừng rút cạn rất nhanh, thấp hơn mực nước năm 2019.

Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thông tin, toàn tỉnh có hơn 95.000ha rừng. Từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý, phần đất mặt ở tất cả các cánh rừng đều đã khô nước, sớm hơn cùng kỳ nhiều năm gần 2 tháng. Trong đó, khoảng 60% diện tích rừng tập trung ở khu vực U Minh Hạ, Trần Văn Thời, Hòn Khoai, Hòn Chuối đã ở mức bao cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Tại nhiều cánh rừng, lớp thực bì đã khô nên chỉ cần sơ suất nhỏ lửa sẽ bùng phát. 

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết đến giữa tháng 2, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 42.300ha đã bị khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong đó, dự báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) là hơn 11.156ha và dự báo cháy ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) là hơn 12.100ha. Đã có hơn 50% diện tích nằm trong cấp “báo động đỏ” về nguy cơ cháy rừng.

Đáng báo động hiện nay là, tình trạng nắng nóng kết hợp gió mạnh khiến mực nước dưới các kênh, rạch trong rừng bốc hơi nhanh. Vào thời điểm này các năm trước, mực nước dưới kênh rạch trong rừng còn hơn 3m nhưng hiện tại chỉ còn từ 2 - 2,3m. Trong khi đó, hệ thống các kênh trục vùng ngọt bên ngoài lâm phần đang trong tình trạng cạn kiệt, chỉ còn 1 - 1,5m; các tuyến kênh cấp I thì còn 0,5 - 0,8m, trong khi các tuyến kênh cấp II, cấp III và kênh nội đồng thì khô cạn.

Đứng trước tình hình khô hạn gay gắt dự báo sẽ còn kéo dài và khốc liệt, các địa phương đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để phòng chống cháy rừng. Tại Cà Mau, ngành Nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu các chủ rừng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, tuyệt đối không cho người không có phận sự vào rừng lấy mật ong; thường xuyên kiểm tra độ ẩm dưới chân rừng để đưa ra cấp dự báo cháy rừng phù hợp nhằm chủ động ứng phó.

Còn tại An Giang, theo ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, diện tích rừng của tỉnh An Giang chủ yếu tập trung ở khu vực Bảy Núi, đây lại là nơi có nhiều chùa chiền và cơ sở thờ tự, nên nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Do đó, công tác tuyên truyền để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác phòng chống cháy rừng là hết sức quan trọng.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.