Nhiều mô hình hiệu quả
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ - Địa chất, anh Trần Văn Quyết (SN 1991), dân tộc Sán Chí, thôn Tân Trung, xã Lệ Viễn (huyện Sơn Động) không đi làm theo chuyên ngành được đào tạo mà ở nhà tham gia công tác Đoàn tại địa phương và... nuôi chim bồ câu Pháp.
Năm 2016, anh Quyết mua 6 đôi chim bố mẹ về nuôi. Nhờ chủ động học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đàn chim phát triển tốt. Từ 6 đôi chim giống ban đầu, đến nay anh luôn duy trì 1,3 nghìn đôi chim bố mẹ, mỗi tháng bán ra thị trường 1,2 nghìn con chim thương phẩm, thu lãi gần 40 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy thế mạnh về kinh tế rừng, cùng với số tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, anh Lâm Văn Sỹ, dân tộc Nùng, Trưởng thôn Đồng Tâm, xã Hương Sơn (huyện Lạng Giang) vay mượn thêm đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở xưởng chế biến gỗ. Ngay năm đầu hoạt động, xưởng chế biến gỗ lãi hơn 200 triệu đồng. Xưởng chế biến gỗ của anh Sỹ hiện đang tạo việc làm với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng cho 10 lao động địa phương.
Là xã đặc biệt khó khăn, trước đây đời sống đồng bào các DTTS ở xã Trường Sơn (Lục Nam) chỉ dựa vào trồng lúa, ngô trên diện tích đất nông nghiệp và trồng rừng. Tuy nhiên do phần lớn diện tích phụ thuộc vào nước trời, trình độ canh tác lạc hậu, đầu tư ít nên hiệu quả kinh tế không cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao (hơn 50% dân số).
Để tạo “cú hích” phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc trong xã, tỉnh, huyện dành nhiều nguồn lực, triển khai các mô hình phát triển kinh tế gắn với lợi thế địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh triển khai dự án phát triển cây ăn quả trên địa bàn xã, qua đó tạo đà cho địa phương phát triển nhiều loại cây có giá trị cao.
Đến nay, trên địa bàn xã có 112,5 ha bưởi các loại; 145 ha vải thiều; 8,8 ha hồng xiêm cùng nhiều loại cây khác. Nhờ chuyển đổi, phát triển cây ăn quả, các hộ có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá. Điển hình như hộ gia đình ông Phương Văn Sạch, dân tộc Tày, thôn Trại Ổi, với mô hình trồng bưởi Diễn. Hiện gia đình ông Sạch có 7 ha trồng bưởi Diễn, trung bình mỗi năm thu 6.000 - 7.000 quả, với giá bán bình quân 10.000 -15.000 đồng/quả, gia đình ông thu về 70 -100 triệu đồng/năm.
Tạo "cú hích"
Theo ông Đinh Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Lục Nam), hiện trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các thôn, giá trị trên đơn vị diện tích đất cũng tăng. Nhờ đó đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 41,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 7,68%. "Đây là tiền đề để xã về đích nông thôn mới vào cuối năm nay và ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn”, ông Bính lạc quan cho biết.
Toàn tỉnh Bắc Giang có 45 thành phần DTTS với hơn 257.000 người. Những năm qua, tại vùng DTTS, nhiều hộ gia đình đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc mình. Một số mô hình điển hình như: Trồng bơ cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm của gia đình ông Lục Văn Thắng, dân tộc Nùng ở thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn (Sơn Động); trồng rừng theo hướng thâm canh của hộ ông Triệu Xuân Thể, dân tộc Dao, bản Vua Bà, xã Trường Sơn (Lục Nam)…
Theo đánh giá, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH, giảm nghèo, vùng DTTS và miền núi của tỉnh có sự tăng trưởng và phát triển mạnh, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Yên Thế tăng bình quân 17%/năm, Sơn Động 13%, Lục Nam hơn 10%, Lục Ngạn hơn 8,5%...
Mặc dù vậy, đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn là “lõi nghèo” của tỉnh khi tỷ lệ hộ nghèo tại đây cao gấp 2 lần mức bình quân chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS cao gấp 3,75 lần bình quân chung toàn tỉnh; thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS bằng 1/3 bình quân thu nhập của tỉnh.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2023. Theo Kế hoạch, năm 2023, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm bình quân 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm, phấn đấu có 4 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tổng vốn thực hiện Chương trình gần 635 tỷ đồng.