Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Sức bật từ một Nghị quyết

Lý Dũng - Đình Văn - 06:08, 03/11/2022

Ngày 15/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 08 về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, giai đoạn 2020 - 2025 (Nghị quyết). Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, công tác giáo dục, đào tạo nghề đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực, xuất hiện các mô hình kinh tế có quy mô lớn ở một số địa phương, góp phần tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, có thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Hà Sỹ Thắng, Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn cùng lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện làm việc tại xã Trung Hòa nắm tình hình về việc thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện
Ông Hà Sỹ Thắng, Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn cùng lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện làm việc tại xã Trung Hòa nắm tình hình về việc thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện

Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã, thị trấn, cùng xuống cơ sở thăm nắm tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của người dân, việc triển khai những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng thế mạnh ở mỗi địa phương. Định hướng cho Nhân dân việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi nơi. Nhờ vậy, trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã xuất hiện những mô hình kinh tế quy mô, hoạt động hiệu quả, có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần tạo việc làm và giảm nghèo.

Trước hết phải kể đến nhóm thanh niên khởi nghiệp ở xã Đức Vân đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư gần 500 triệu đồng thực hiện mô hình trồng dâu tây Hana Nhật Bản với quy mô hơn 1ha. Toàn bộ hệ thống nước tưới được đầu tư đồng bộ bằng công nghệ đường ống dẫn ngầm, phần mặt đất trên luống cây được phủ ni lông để hạn chế cỏ mọc, tạo độ ẩm. Phân bón được sử dụng hoàn toàn sinh học, bình ủ phân lớn kèm lọc rồi dẫn đến từng cây, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là một trong những mô hình trồng cây ăn quả thu hút khách du lịch đển thăm quan, chụp ảnh lưu niệm, qua đó một phần quả dâu đã được bán ngay cho những người đến thăm quan, chụp ảnh. Doanh thu của vườn dâu tây Hana Nhật Bản này ước tính mang lại doanh thu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình trồng cây dâu tây Hana Nhật Bản ở xã Đức Vân là mô hình mới và có nhiều triển vọng phát triển ở địa phương
Mô hình trồng cây dâu tây Hana Nhật Bản ở xã Đức Vân là mô hình mới và có nhiều triển vọng phát triển ở địa phương

Tương tự, mô hình khởi nghiệp trồng cây nho Hạ Đen của anh Hoàng Hùng Hiển ở thôn Bản Diếu, xã Thượng Quan với quy mô hơn 5.000m2, trồng hơn 1.500 cây nho Hạ Đen mỗi năm thu hoạch hơn 3 tấn quả, với giá bán bình quân từ 120 đến 150 nghìn đồng/1kg đã cho thu nhập trên dưới 400 triệu đồng mỗi năm. Mô hình được nhiều người biết đến bởi du khách đến chụp ảnh trải nghiệm hái nho rồi đưa lên các trang mạng xã hội, cứ như vậy mô hình này đã thu hút được cả khách hàng và khách du lịch đến mua quả, giải quyết được một phần đầu ra của sản phẩm.

Trong chăn nuôi có mô hình nuôi lợn rừng bán hoang dã của hộ gia đình anh Lý Văn Minh, thôn Khuổi Diễn, xã Cốc Đán với quy mô chăn nuôi duy trì thường xuyên hơn 10 con lợn nái, hơn 100 con lợn thịt. Thời điểm cuối năm giá lợn bán bình quân từ 90 đến 120 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình anh xuất bán được khoảng 50 con trọng lượng trên dưới 60kg. Do chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả và thức ăn cho lợn chủ yếu là ngô, cám gạo và các loại rau, cỏ ở tại địa phương; việc tiêm phòng, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi được thực hiện bảo đảm nên đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng được khách hàng đánh giá cao. Nhờ vậy, lợn thương phẩm được nhiều tư thương tại các tỉnh thành lớn như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội…đặt mua. 

Cuối năm 2021, anh Minh đã đứng ra thành lập Hợp tác xã OCOP Cốc Đán với 10 thành viên, hiện nay các thành viên đang tập trung xây dựng chuồng trại để tiến tới đầu tư lợn giống, nhân rộng đàn để đáp ứng thêm cho thị trường. Ngoài ra, huyện đã hình thành được một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như: Gạo nếp Khẩu Nua Lếch; bún, phở khô; dưa lưới, hạt dẻ, lê ta, măng ớt, nấm hương rừng… từng bước tạo chuỗi giá trị cung ứng cho thị trường, góp phần giải quyết lao động ở địa phương.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã ở xã Cốc Đán cho thu nhập cao, góp phần giảm nghèo và tạo việc làm cho lao động địa phương
Mô hình chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã ở xã Cốc Đán cho thu nhập cao, góp phần giảm nghèo và tạo việc làm cho lao động địa phương

Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn 

Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Hà Sỹ Thắng khẳng định: Việc cụ thể hóa nghị quyết các cấp trên địa bàn huyện đang có những chuyển biến tích cực. Các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ thông qua các đề án, dự án đang được triển khai đến người dân, từng bước tạo tiền đề từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đến việc triển khai các mô hình kinh tế, nhất là các mô hình kinh tế tập thể đều hướng về cơ sở với mong muốn là phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn huyện, phấn đấu đưa đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Ngân Sơn sẽ thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hộixây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn. Tập trung phát huy các nguồn lực, những tiềm năng, thế mạnh, tận dụng các cơ hội thuận lợi sẵn có của địa phương, tạo những bước phát triển về kinh tế - xã hội đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Ngân Sơn đã phân vùng trồng cây có thế mạnh như: Trồng 100ha cây dẻ tại các xã Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân và thị trấn Nà Phặc; trồng 200ha cây hồi tại các xã Thuần Mang, Thượng Quan, Hiệp Lực, Trung Hòa; trồng 20ha cây đào tại xã Vân Tùng và thị trấn Nà Phặc; trồng 8ha cây lê tại các xã Bằng Vân, Vân Tùng và Đức Vân.

Huyện Ngân Sơn đã phân vùng trồng trọt và chăn nuôi theo điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi của từng vùng để phát triển ổn định lâu dài, khai thác tiềm năng thế mạnh hiệu quả
Huyện Ngân Sơn đã phân vùng trồng trọt và chăn nuôi theo điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi của từng vùng để phát triển ổn định lâu dài, khai thác tiềm năng thế mạnh hiệu quả

Trong chăn nuôi Ngân Sơn tập trung hỗ trợ chăn nuôi đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) và một số loại vật nuôi có tiềm năng như: Lợn đen bản địa, ngựa bạch, vịt bầu cổ xanh, gà ta bản địa…với quy mô và số lượng được cơ quan chuyên môn tính toán phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng hộ gia đình để bảo đảm “cung – cầu” thị trường. Tổng kinh phí dự kiến của đề án hỗ trợ cho người dân thực hiện trồng trọt và chăn nuôi với hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện sẽ sử dụng lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ khác để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.

“Huyện Ngân Sơn đã xác định được đối tượng ưu tiên để đầu tư phát triển, góp phần thiết thực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhân rộng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao cung ứng cho thị trường; bước đầu hình thành các điểm du lịch cộng đồng, giúp người dân địa phương tiếp cận với việc cung ứng các dịch vụ cho khách du lịch từ đó góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân, từng bước nâng cao thu nhập hướng tới giảm nghèo bền vững” – ông Hà Sỹ Thắng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.