Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên đã và đang được đầu tư đồng bộGiải quyết nhiều vấn đề cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện quyết liệt công tác dân tộc, triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, các Chương trình MTQG, đặc biệt, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, qua đó đã và đang tạo động lực để vùng đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên có cơ hội vươn lên và phát triển.
Thông tin từ UBND huyện Định Hóa cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 trên 102,5 tỷ đồng, huyện Định Hóa đã triển khai 9/10 dự án, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn.
Cụ thể, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, ttừ năm 2022, huyện đã đầu tư xây dựng 8 công trình nước tập trung tại các xã chưa về đích nông thôn mới; phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí cho 880 hộ mua vật dụng chứa nước; 36 hộ đào giếng, xây bể… với tổng kinh phí trên 13,6 tỷ đồng.
Điển hình như ở xã Linh Thông, gia đình anh Lưu Văn Bắc ở xóm Nà Chát từng thuộc diện là hộ nghèo nhiều năm, được hỗ trợ 60 triệu đồng xóa nhà dột nát, gia đình anh đã làm được căn nhà vững chãi.
“Mới đây, thông qua nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình tôi còn được hỗ trợ một téc nước phục vụ nhu cầu cuộc sống”, anh Bắc chia sẻ.
Thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực công tác dân tộc, huyện Định Hóa đã đầu tư xây dựng mới nhiều công trình; đồng thời duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, trường học, trạm y tế..., tại 13 xã với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng...
Với nỗ lực đầu tư toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đến nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Định Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên 95% đường thôn xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 95% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Người dân xóm Khe Mong, Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ thu hoạch ngôNỗ lực cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS
Tại xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, với nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, con đường trục chính của xóm đã được cải tạo, nâng cấp. Mặt đường được mở rộng từ 2m lên trên 3,5m, với tổng kinh phí 215 triệu đồng. Ngoài ra, công trình nước sinh hoạt tập trung cũng được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lên với sức chứa 8m3.
Cùng với 2 công trình trên, cũng tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 23 công trình thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 4 và Tiểu dự án 1 của Dự án 5, với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống người dân xóm Lân Đăm nói riêng, xã Quang Sơn nói chung được cải thiện rõ rệt.
Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 dành cho tỉnh Thái Nguyên là gần 2.000 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân khai khoảng 850 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện.
Với nguồn lực đầu tư này, đã có hơn 200 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, hơn 500 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước.. Đồng thời, tỉnh thực hiện hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.
Theo nhận định của Lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được coi trọng nhằm tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo.
Triển khai Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoan 2021 - 2030; giai đoạn I; từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Thái Nguyên phấn đấu mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi; đưa 8/15 xã đặc trong toàn tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đưa 25 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.