Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

A Lưới (Thành phố Huế): Xây dựng nhà, hỗ trợ sinh kế để nâng cao đời sống cho hộ nghèo

Phạm Tiến- Hải Băng - 15:53, 09/04/2025

Tính đến tháng 2/2025, toàn huyện A Lưới, Thành phố Huế đã và đang khẩn trương xây dựng để xóa 4.236 căn nhà tạm, nhà dột nát. Trong hành trình xóa nhà tạm, UBND huyện A Lưới đã gắn liền với việc hỗ trợ sinh kế để hộ nghèo vùng DTTS không tái nghèo và có điều kiện sống tốt hơn.

Lãnh đạo UBND huyện A Lưới thực địa kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo vùng DTTS
Lãnh đạo UBND huyện A Lưới thực địa kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo vùng DTTS

Hàng nghìn hộ nghèo có nhà “3 cứng”

Trong nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đã giúp 1.775 hộ gia đình đồng bào DTTS có nhà ở kiên cố. Cùng với đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ 1.891 hộ, trong đó có 1.352 hộ xây mới và 539 hộ sửa chữa nhà ở. Bên cạnh nguồn lực từ các Chương trình MTQG, UBND huyện A Lưới cũng huy động các nguồn lực hợp pháp khác để xóa được 470 căn nhà tạm, nhà dột nát.

Theo báo cáo của UBND huyện A Lưới, tính đến tháng 2/2025, địa phương đã và đang hỗ trợ xây dựng 4.136 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, nguồn kinh phí từ các Chương trình MTQG là hơn 200 tỷ đồng. Bước sang năm 2025, UBND huyện A Lưới phấn đấu, hoàn thành thêm 695 căn nhà thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ: “Việc hỗ trợ nhà ở giúp người dân có nơi ở kiên cố, tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã huy động nguồn lực từ nhiều kênh, không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ các tổ chức, doanh nghiệp như ngân hàng Agribank, Vietcombank, dự án Làng hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc…”.

Tính đến tháng 2/2025, toàn huyện A Lưới đã và đang xây dựng để xóa được 4. 236 ngôi nhà tạm, nhà dột nát
Tính đến tháng 2/2025, toàn huyện A Lưới đã và đang xây dựng để xóa được 4. 236 ngôi nhà tạm, nhà dột nát

Cùng với xây dựng nhà ở, huyện A Lưới cũng chú trọng đến việc hỗ trợ sinh kế để đồng bào các DTTS phát triển kinh tế bền vững. Nhiều hộ sau khi có nhà kiên cố đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi hoặc tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nông thôn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và kết nối tiêu thụ sản phẩm cũng đang được triển khai rộng rãi.

Gia đình anh Hồ Xoan (dân tộc Bru Vân Kiều) ở thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân, huyện A Lưới là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ 60 triệu đồng tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719. Trước đây, cả nhà anh phải sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, mùa mưa thì dột, mùa nắng thì nóng. Nhờ có chương trình hỗ trợ nhà ở, giờ đây gia đình anh Hồ Xoan đã yên tâm an cư trong ngôi nhà “3 cứng” theo đúng tiêu chuẩn. Đây là động lực quan trọng để anh và các thành viên trong gia đình tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Để hộ nghèo vùng DTTS không tái nghèo, UBND huyện A Lưới đã gắn nhiệm vụ xóa nhà tạm với việc hỗ trợ sinh kế để đồng bào phát triển kinh tế bền vững
Để hộ nghèo vùng DTTS không tái nghèo, UBND huyện A Lưới đã gắn nhiệm vụ xóa nhà tạm với việc hỗ trợ sinh kế để đồng bào phát triển kinh tế bền vững

Xóa nhà tạm gắn liền với hỗ trợ mô hình sinh kế

Là huyện miền núi, A Lưới có trên 80% dân số là người đồng bào DTTS. Về cơ bản, số hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nằm trong vùng đồng bào DTTS. Do đó, trong quá trình thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở A Lưới cũng có những khó khăn nhất định. Đặc biệt, để chống tái nghèo, A Lưới gắn liền việc hỗ trợ xây nhà với việc hỗ trợ sinh kế để đồng bào phát triển kinh tế bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết thêm: Số lượng hộ cần hỗ trợ lớn, trong khi nhân lực xây dựng có hạn. Ngoài ra, một số hộ dân không có đủ kinh phí đối ứng để hoàn thiện nhà. Do đó chính quyền huyện đang nỗ lực kết nối với các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ tối đa cho bà con.

Ngoài vấn đề kinh phí, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các mô hình kinh tế tự chủ cũng là một bài toán cần giải quyết. Một số hộ sau khi nhận nhà mới vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sinh kế bền vững. Vì vậy, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh đào tạo nghề, hỗ trợ tiêu thụ nông sản và khuyến khích bà con tham gia vào các hợp tác xã sản xuất.

Bên cạnh đó, A Lưới đang mở rộng các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa để tạo việc làm cho người dân. Chính quyền cũng khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào huyện, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và chế biến nông sản, góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Trong nhiều năm qua, A Lưới cũng chú trọng đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế cho nhiều hộ đồng bào DTTS
Trong nhiều năm qua, A Lưới cũng chú trọng đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế cho nhiều hộ đồng bào DTTS

Thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nhà ở cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng sẽ huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào. Đặc biệt, kết hợp với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo người dân không chỉ có nhà kiên cố mà còn có điều kiện sống tốt hơn. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Bình: Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2025

Quảng Bình: Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2025

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 591/KH-UBND ngày 08/4/2025 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) năm 2025.