Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghệ An: “Quả ngọt” của những tháng ngày “ba cùng, bốn bám”

An Yên - 13:22, 20/03/2023

Nơi miền biên viễn xứ Nghệ, cuộc sống của đồng bào các DTTS đang ngày một ấm no, bình yên hơn. “Quả ngọt” ấy là bao tháng ngày “ba cùng, bốn bám”, cầm tay chỉ việc của những chiến sĩ quân hàm xanh để những mô hình phát triển kinh tế ra đời, mang lại hiệu quả cao. Đó cũng chính là động lực để bà con nơi đây tự tin thay đổi tư duy và nhận thức, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Thiếu tá Chế Đình Đạt hướng dẫn anh Cụt May Phim chăm sóc ao cá
Thiếu tá Chế Đình Đạt hướng dẫn anh Cụt May Phim chăm sóc ao cá

Bản Khánh Thành (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) có 74 hộ dân tộc Khơ Mú, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Được phân công về sinh hoạt tạm thời tại bản này, Thiếu tá Chế Đình Đạt - Đội Vận động Quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã rất trăn trở. Nỗi niềm canh cánh trong lòng người chiến sĩ Biên phòng ấy là làm sao để người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, từ đó mới giữ yên biên giới…

Qua bám nắm địa bàn, Thiếu tá Đạt đã tham mưu cho Chỉ huy đơn vị, phụ trách 7 hộ gia đình trong địa bàn bản Khánh Thành, trong đó có gia đình anh Cụt May Phim để giúp họ phát triển kinh tế. Thiếu tá Đạt kể: Qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với người dân, mình nắm rõ hoàn cảnh từng hộ… từ đó lựa chọn định hướng tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có thu nhập cao hơn, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.

Như hộ gia đình của anh Cụt May Phim, nhận thấy gia đình có diện tích vườn rộng, có khe nước chảy qua, rất phù hợp với phát triển kinh tế VACR nhưng còn thiếu vốn. Để giải quyết điều này, Thiếu tá Đạt đã tham mưu Ban Chỉ huy đồn hỗ trợ gia đình anh Phim 1 cặp lợn giống và đơn vị giúp công làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho gia đình. Đồng thời, vị trí đất trũng có nước chảy qua, Đồn hỗ trợ ngày công giúp gia đình đào ao và hỗ trợ cá giống để gia đình có nguồn giống cá ban đầu.

Từ sự hỗ trợ của BĐBP mà trực tiếp là Thiếu tá Chế Đình Đạt và những nỗ lực vươn lên của gia đình, đến nay hộ anh Cụt May Phim đã có một khu trang trại tổng hợp nhiều người mơ ước, với nhiều gia súc, gia cầm và ao thả cá rộng hàng trăm mét vuông. Anh Phim cảm kích: Biết ơn BĐBP lắm lắm. Nhà ta đã khá hơn trước rồi. Được vay vốn, ta đã có một trang trại với ao cá, gà, lợn; còn bò cũng đến 45 con đấy. Mà nuôi nhốt hẳn hoi, không thả rông nữa đâu vì có chuồng do bộ đội làm giúp mà.

Giúp đồng bào khu vực biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An. (Trong ảnh: Trạm Biên phòng Cò Phạt, đồn biên phòng Môn Sơn hướng dẫn người dân Đan Lai kỹ thuật chăm sóc rau)
Giúp đồng bào khu vực biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An. (Trong ảnh: Trạm Biên phòng Cò Phạt, đồn biên phòng Môn Sơn hướng dẫn người dân Đan Lai kỹ thuật chăm sóc rau)

Một câu chuyện khác về “cầm tay chỉ việc” cũng đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) thực hiện có hiệu quả, từ việc hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mang lại năng suất cao.

Ông Lương Văn Hồng ở bản Mường Piệt (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) đã kể lại cơ duyên được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ giúp đỡ đầy hứng khởi: Tôi đi họp bản, chú Giang ở đồn nói với bà con, ai có nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, thì chú sẽ bỏ tiền túi ra để mua con giống. Vậy là tôi giơ tay nhận và hứa sẽ làm tốt khi được hỗ trợ. Giữ đúng lời hứa, sau cuộc họp chú Giang đã đưa con giống đến.

Câu chuyện ấy của ông Hồng, là đang nói về Thiếu tá Lê Văn Giang - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP Nghệ An tự bỏ tiền lương của mình để mua con giống hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.

Qua thực tế và tham quan một số mô hình nuôi thỏ thành công, Thiếu tá Giang đã vận động bà con trong bản Mường Piệt, xã Thông Thụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi thỏ để phát triển kinh tế gia đình. Những hộ triển khai đầu tiên, thiếu tá Giang sẽ trích tiền lương mua con giống hỗ trợ người dân, và ý tưởng này cũng được thông báo rộng rãi trong cuộc họp bản Mường Piệt, xã Thông Thụ.

Sau khi ông Hồng xung phong nhận nuôi đầu tiên, Thiếu tá Lê Văn Giang đã mua 3 cặp thỏ giống và huy động bộ đội Đồn Thông Thụ, hỗ trợ gia đình ông Hồng chuẩn bị chuồng để chăn nuôi, nguồn giống cũng được lựa chọn mua trong địa bàn để phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết.

Kể về quá trình nuôi thỏ, ông Hồng vui vẻ: Nuôi thỏ không quá khó khăn, bởi dễ nuôi, phù hợp với nhân lực lao động của gia đình. Thức ăn của thỏ cũng dễ kiếm, chỉ cần lấy các loại lá xung quanh nhà và các loại củ quả trong vườn là đủ. Trong khi đó, giống con này phát triển nhanh, nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn lớn.

Thiếu tá Lê Văn Giang (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ đồn Thông Thụ và địa phương kiểm tra mô hình chăn nuôi thỏ tại gia đình ông Lương Văn Hồng
Thiếu tá Lê Văn Giang (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ đồn Thông Thụ và địa phương kiểm tra mô hình chăn nuôi thỏ tại gia đình ông Lương Văn Hồng

Đánh giá về những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thông Thụ, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, ông Lương Ngọc Huân nhấn mạnh: Những năm qua, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương xã trong việc hỗ trợ, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó góp phần giữ gìn an ninh biên giới, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng được cử tham gia cấp ủy, chuyển đảng viên sinh hoạt tạm thời tại các thôn bản và phụ trách các hộ gia đình, đã có nhiều đóng góp trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở của xã, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của toàn xã xuống còn dưới 50%.

Thực tế cho thấy, những năm qua, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn khu vực biên giới bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả. 

Chỉ tính năm 2022, BĐBP Nghệ An đã hướng dẫn Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, thực hiện hiệu quả 60 mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, giúp Nhân dân gần 3.500 ngày công lao động, chăm sóc và thu hoạch 72 ha hoa màu; trồng rừng, khai hoang, phục hóa 13 ha; trao tặng 250 cây bưởi giống, 2 con bò giống.

Từ thực tế minh chứng, bao năm qua các hoạt động thiết thực của BĐBP tỉnh đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên biên giới. Đó là điều kiện, yếu tố hết sức thuận lợi trong việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của lực lượng.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.