Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yêu văn hóa Khmer bằng cách riêng của những người trẻ

N.Tâm - H. Diễm - 14:51, 19/04/2021

Trong khi ở nhiều địa phương , lĩnh vực bảo tồn văn hoá nghệ thuật truyền thống đang "khát" nhân lực trẻ thì tại tỉnh Sóc Trăng - nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất nước, có nhiều thanh niên còn rất trẻ vừa tham gia vừa biểu diễn văn nghệ, vừa tập luyện các điệu múa truyền thống đăng tải lên các trang mạng xã hội để lan tỏa tình yêu văn hoá dân tộc.

Các bạn trẻ cùng tập múa tại sân chùa Som Rong
Các bạn trẻ cùng tập múa tại sân chùa Som Rong

Dù chưa từng trải qua một trường lớp chuyên nghiệp nào, nhưng bao năm qua, bằng tâm huyết, tấm lòng và niềm đam mê của mình, cứ đến thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, những thanh niên người Khmer ở Sóc Trăng lại hẹn nhau cùng tập luyện bài hát điệu múa và ghi hình tại các chùa: Khleang, Som Rong, Tum Núp, Maha Túp, Sà Lôn,…

Là người giữ lửa và kết nối các thành viên trong nhóm, Lý Hằng - chàng thanh niên người Khmer tại huyện Thạnh Trị có tình yêu sâu sắc và tinh thần trách nhiệm cao trong việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo anh Hằng chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, nhìn thấy các anh chị biểu diễn nghệ thuật Khmer , tôi rất thích. Tôi thường tập theo những động tác múa, hát. Khi đang học phổ thông, nhà trường thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa văn nghệ đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia, biểu diễn những động tác múa, những bài hát đặc trưng của dân tộc mình”.

Chúng tôi có dịp thưởng thức nhóm múa biểu diễn vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vừa qua. Khi đến cổng chùa, nhìn từ xa đã thấy những thành viên trong trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu nhún nhảy theo tiếng nhạc rộn ràng. Từng đôi trai gái uyển chuyển hòa mình vào điệu múa tập thể mềm mại, duyên dáng, thu hút ánh mắt của du khách thập phương đến tham quan chùa. Người biết múa thì hòa nhịp cùng nhóm, vài người chụp hình lưu niệm, có nhiều người nhanh tay quay lại Clip để làm kỷ niệm.

Anh Lý Hằng, Trưởng nhóm múa Khmer cho biết, vào mỗi dịp lễ hội, nhóm múa thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân. Với vai trò Trưởng nhóm, anh Hằng làm cầu nối để các bạn yêu nghệ thuật múa Khmer ở các tỉnh bạn đến tham gia. Để bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, nhóm múa đã tập quay Clip để đưa lên mạng xã hội và kênh YouTube bằng tài khoản cá nhân “LeeHool”. Nhóm múa còn thường xuyên đi múa cho các chùa nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Sen Đonta, lễ Dâng y, khánh thành chính điện,…

Cùng niềm đam mê với các điệu múa dân tộc, cô gái Thạch Thị Mỹ Hồng Dung - thành viên nhóm múa chia sẻ: “Tôi biết múa, hát tiếng Khmer từ khi còn chưa biết đọc, biết viết, nhờ những lần bà dẫn lên chùa xem múa hoặc tôi học theo các chương trình văn nghệ bằng tiếng Khmer trên đài. Những lời ca điệu múa thân quen như hơi thở cuộc sống của tôi. Càng yêu văn hóa Khmer bao nhiêu, tôi lại càng muốn giữ gìn và giới thiệu những nét đẹp truyền thống của dân tộc đến với mọi người…”.

Một buổi tập múa của các bạn trẻ dân tộc Khmer (Sóc Trăng) tại chùa Khleang
Một buổi tập múa của các bạn trẻ dân tộc Khmer (Sóc Trăng) tại chùa Khleang

Sau những lần biểu diễn và đăng tải những Clip trên mạng xã hội, nhóm bạn trẻ nhận về nhiều lời khen, khích lệ và động viên tinh thần để tiếp tục cho ra đời các sản phẩm mới, vừa giữ được nét truyền thống, vừa biến tấu, sáng tạo để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Các điệu múa được những người am hiểu văn hóa Khmer đánh giá chuẩn mực về nội dung và nghi thức của nghệ thuật văn hoá dân tộc. Hiện nay, nhóm thanh niên trẻ đã thu hút được hơn 20 thành viên tham gia, thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang... 

Hoà thượng Thạch Huôn, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Prey Chóp, thị xã Vĩnh Châu nhận xét: “Văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ có từ lâu đời và mang đậm nét bản sắc riêng. Theo thời gian, những cây gạo cội già đi, lớp trẻ ngày nay chỉ mê văn hoá theo xu hướng hiện đại nên ảnh hưởng đến việc giữ gìn văn hoá truyền thống. Cũng có một số thanh-thiếu niên có niềm đam mê văn hoá dân tộc, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên không có điều kiện theo đuổi đến cùng. Để giữ lửa cho văn hoá truyền thống, Hội Đoàn Kết sư sãi yêu tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc tạo điều kiện cho các nhóm nhạc trẻ biểu diễn thường xuyên tại các chùa nhằm lan toả giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời tìm kiếm nguồn lực cho việc bảo tồn văn hoá dân tộc”.

Trong xu thế cuộc sống hiện đại hôm nay, nhiều loại hình văn hóa đang có nguy cơ mai một, thất truyền thì văn hóa truyền thống của người Khmer, đặc biệt các thể loại múa, hát vẫn đang được các bạn trẻ tiếp thu, làm mới để đến gần hơn với mọi người. Các bạn trẻ đang góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.