Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chuyện về những Thala của đồng bào Khmer

Phương Nghi - 11:17, 12/04/2021

Trên đường vào các phum sóc của người Khmer, cứ khoảng vài cây số, người ta lại bắt gặp một Thala nằm lặng lẽ ven đường. Mỗi Thala có một câu chuyện riêng, chất chứa tình người, gắn liền với nhịp sinh hoạt của cư dân xung quanh...

Ngôi Thala ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng), một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer.
Ngôi Thala ở ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng), một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer.

Thala theo tiếng Khmer có nghĩa là ngôi nhà nghỉ mát cho khách qua đường, được người dân chung tay xây dựng, cùng nhau bảo vệ và sửa chữa… Thala thể hiện nét văn hóa cộng đồng của người Khmer trong từng phum sóc. Tên của các Thala thường được ghép với những đặc điểm của nó, như: Thala chơn phnum (Thala gần chân núi), Thala păng xây (Thala lợp bằng thiếc); tên các ấp như: Thala Giồng Cát (Thala sóc của ấp Giồng Cát), Thala Bưng Cốc (Thala của ấp Bưng Cốc); nhiều Thala được đặt theo tên của người xây dựng (Thala Tà Tiếp - ông Tiếp, Tà Khan - ông Khan…)… Tuy nhiên, dù bất cứ tên gọi nào, Thala cũng đều có điểm chung là được xây dựng công phu theo hình thức nhà sàn, hình vuông (hoặc hình chữ nhật) chân cao với khung liền chịu lực để tránh thú dữ và bảo đảm thoáng mát…

Về kiến trúc Thala, phần đỉnh nóc thể hiện kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer. Thường đây là nơi ngự trị của vị thần 4 mặt. Cuối 4 đường nối mái là hình ảnh góc mái vút cong hình ngọn lửa hay chiếc đuôi rồng. Tại một số nơi, người ta bố trí chiếc đầu rồng tại góc giao của mái nhà.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Khmer Lý Săng Sết (Trà Vinh): “Ngoài chức năng của một cơ sở tín ngưỡng, Thala còn là nhà chung của cả phum, sóc, do bà con chung tay xây dựng. Khi Thala xuống cấp, người đại diện trong phum, sóc sẽ đứng ra quyên góp tiền chỉnh trang, sửa chữa. Thala không có vách ngăn 4 mặt mà luôn rộng mở để đón gió và đón khách lỡ đường phương xa vào nghỉ. Người đi làm đồng áng mệt nhọc có thể dừng chân, bước vào Thala ngồi nghỉ trốn cái nắng, hoặc tránh cơn mưa bất ngờ đổ xuống”.

Tha la păng xây ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang luôn mở rộng cửa đón khách lỡ đường phương xa. (ảnh: TL))
Tha la Păng Xây ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang luôn mở rộng cửa đón khách lỡ đường phương xa. (ảnh TL))

Trong mỗi Thala, bà con người Khmer thường đặt một chiếc lu đầy ắp nước trong vắt. Vắt chéo bên trên chiếc lu là ca nước, có khi còn có một rổ khoai lang, khoai mì đã luộc chín, bó mía, quày dừa nước… để người dừng chân ở đây có thể dùng miễn phí.

Ông Lâm Sanh ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) tâm tình: “Sóc Bưng Cốc có 4 Thala, trong đó có 1 cái do ông bà tôi xây dựng. Hồi xưa, xe cộ, nhà cửa ít lắm, Thala trở thành nơi nghỉ chân lý tưởng cho mọi người. Bây giờ mọi người di chuyển bằng xe máy nên Thala cũng ít người vào. Không ít Thala bị bỏ hoang hoặc hư hại  nên khách vãng lai cũng ít vào. Có Thala trở thành nơi sinh hoạt, mua bán của những hộ dân gần đó”.

Lễ hội Thala được cộng đồng người Khmer tổ chức hàng năm vào tháng 4 dương lịch tại ngôi Thala của phum, sóc mình. Lễ hội Thala gần giống với lễ Hạ điền của cư dân nông nghiệp người Việt. Đây là dịp để người dân trong phum sóc gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở, phum sóc no đủ lâu bền. Đây cũng là dịp vui chơi, giải trí trước khi người nông dân Khmer bước vào mùa vụ gieo trồng mới.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.