Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chùa Sóc Lớn: Nơi lưu giữ nét văn hóa của người Khmer

PV - 10:21, 23/07/2018

Chùa Sóc Lớn tọa lạc ấp Sóc Lớn (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) thuộc “Top 100 điểm du lịch văn hóa tâm linh được yêu thích” năm 2016, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bình chọn. Chùa Sóc Lớn cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Ngôi chùa còn có chức năng là một ngôi trường dạy chữ, dạy đạo lý. Ngày 15/12/2004, chùa Sóc Lớn đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh

chùa Sóc Lớn Chánh Điện chùa Sóc Lớn.

Chùa Sóc Lớn là ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, được xây dựng năm 1931, đến năm 1937 chùa được khánh thành. Trong kháng chiến, chùa Sóc Lớn từng là nơi nuôi giấu chiến sĩ cách mạng. Kiến trúc của chùa Sóc Lớn đã thể hiện được kiến trúc tổng thể của một ngôi chùa Khmer, bao gồm nơi dạy học, Sala, chánh điện, tháp thờ đức Phật… Đây là ngôi chùa theo phái Phật giáo Nam Tông nên tượng thờ hầu hết là tượng Thích Ca.

Chùa Sóc Lớn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Khmer tại Bình Phước. Hàng năm, tại chùa diễn ra 10 lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước, thu hút đông đảo phật tử trong vùng đến lễ bái, sinh hoạt tôn giáo. Các ngày lễ chính trong năm tại chùa Sóc Lớn gồm: Tết nguyên đán; Lễ Magha Puja-lễ Phật Định; Tết Chôl Chnăm Thmây; Lễ Visakha Puja-lễ Phật Đản: Lễ khai giảng lớp học chữ Khmer hè: Lễ Nhập hạ; Lễ Dolta báo hiếu-Vu Lan Khmer; Lễ Mãn hạ; Lễ dâng y Kathina; Lễ Oóc-om-book (lễ cúng trăng)...

chùa Sóc Lớn Các phật tử đang chuẩn bị cho ngày Lễ Sen Dolta.

Chùa Sóc Lớn có bố cục phân tán nhưng vẫn tuân thủ những nguyên tắc riêng. Từ ngoài đường trục chính đi vào là cổng, cao 5m, rộng 3m, được xây dựng cầu kỳ với nhiều họa tiết hoa văn của Phật giáo kết hợp phong cách của người Khmer. Bước qua cổng là con đường khá dài, dẫn thẳng đến nhà hội (Sala) đã được xây dựng hoàn tất.

Sala được coi là kiểu nhà hội của Phật tử, là giảng đường của các vị sư sãi và cũng là nơi tiếp khách vào những ngày lễ tết trong năm của đồng bào quanh vùng. Theo tập quán của người Khmer, Sala là kiến trúc được xây dựng trước tiên trong quá trình kiến tạo một ngôi chùa mới. Như mọi ngôi chùa Khmer, Sala của chùa Sóc Lớn cũng được đặt theo hướng Đông-Tây, với một Phật điện.

chùa Sóc Lớn Dụng cụ đàn nhạc trong chùa Sóc Lớn.

Sala chùa Sóc Lớn là nơi tập trung đầy đủ nhất tài năng nghệ thuật xây dựng với kiến trúc Sala mang dấu ấn của ngôi nhà sàn truyền thống của người Khmer. Bao quanh Sala là hệ thống lan can. Hành lang rộng từ 1,8-2,5m, có chức năng làm nơi chạy đàn trong quá trình hành lễ, nơi các tín đồ chuẩn bị lễ vật. Nối với hệ thống hành lang là tiền sảnh có hai cửa vào chính, được bố trí đối xứng hai bên trục dọc. Từ ngoài vào là hệ thống tiền đường, thiêu hương và phật điện. Tại đây, tượng phật Thích Ca Mâu Ni được ngồi theo tư thế thiền định trên tòa sen và các tượng phật Thích Ca nhỏ được bố trí sắp đặt theo hệ thống nhất định, tạo ra vẻ thanh thoát, trang nghiêm cho khu vực Sala.

Đối diện với ngôi Sala về phía bên tay phải qua sân chùa là hệ thống lớp học, nhà ở của các sư và con em trong sóc. Mặt trước của dãy lớp học hướng về phía Nam là phương của bát nhã (trí tuệ) với lối kiến trúc giống như ngôi Sala gồm hệ thống cột, hành lang, mái diềm. Trang trí mặt ngoài là các hình đắp nổi, chạm khắc, thể hiện các hình tượng Rea-hu (ổ phù), Tiên nữ, chim thần Kayno, Chằn (Yeak).

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có khu đất rộng dành để xây miếu thờ Neakta với kiến trúc đơn giản, nằm ở gần cổng chính, hệ thống giếng nước, nhà ăn. Toàn bộ các kiến trúc chùa được một hệ thống tường rào bao quanh với cách trang trí ô vuông hình tượng Chằn (Yeak) được nhân cách hóa, dưới dáng vẻ của một võ tướng có thân hình cao to, chắc khỏe, toàn thân mặc giáp tục, vẻ mặt hung tợn, mắt lồi, mày xếch, miệng rộng nhe nanh nhọn, tay cầm chày vồ. Tượng Chằn đứng trước cổng chùa hay xung quanh ngôi Sala, lớp học, có nhiệm vụ bảo vệ chùa.

Có thể nói, chùa Sóc Lớn là tổng hòa các sắc thái văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Khmer.

VĂN ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.