Thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn nằm cách trung tâm huyện gần 70 km. Thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Do địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ canh tác lạc hậu, nên kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để giải bài toán việc làm, thu nhập cho lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi thanh niên, huyện Yên Sơn xác định đào tạo nghề, chuyển đổi nghề là giải pháp then chốt.
Anh Dương Văn Tọa, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, đầu tư mua máy cày để phục vụ sản xuất, nhưng mỗi lần máy móc bị hỏng thì lại phải mang đi sửa, rất mất thời gian. Vì thế, anh quyết định tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp. “Trước đây, mình không biết gì về máy móc nên nhiều lúc máy bị hỏng không sửa được, ảnh hưởng rất lớn đến công việc sản xuất của gia đình. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Yên Sơn tổ chức, giờ mình đã biết cách bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ sản xuất của gia đình”, a Tọa chia sẻ.
Ông Bàn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi, cho biết: Xã Hùng Lợi là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, đồng bào DTTS chiếm 98% tỷ lệ dân số của xã, chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm tới 59%, nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, kiến thức về những khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Do vậy việc mở các lớp đào tạo nghề cho bà con là rất cần thiết, giúp nhân dân ở những khu vực này ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Trong năm 2023, tính đến hết tháng 10/2023, xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX và trường Cao đẳng nghề kỹ thuật – công nghệ (KT-CN) Tuyên Quang mở 4 lớp học nghề, đào tạo cho 140 học viên.
Ông Đặng Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Sơn cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 17/14 lớp học nghề, đã đào tạo được 595 học viên tham gia. Các lớp được triển khai ngay tại thôn, trong đó tập trung vào các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: Điện, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây chè, chăn nuôi, …
Thực tế cho thấy, các lớp học đã có tác động tích cực đến nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, huyện Yên Sơn đã xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp với GDNN-GDTX huyện và Trường Trung cấp nông dân Việt Nam... tổ chức các lớp dạy nghề cho bà con theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần”, hướng vào đối tượng người lao động tại chỗ, mở các lớp đào tạo nghề ngay tại thôn, bản dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”, Ông Đặng Xuân Cường cho biết thêm.
Theo báo cáo của Phòng LĐTB&XH huyện Yên Sơn, từ năm 2015 đến nay, huyện đã tổ chức tư vấn, đào tạo nghề cho hơn 3.635 lao động về các lĩnh vực: Y tế, may dân dụng, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật nề xây dựng, nghề thủ công. Các đối tượng học nghề chiếm trên 70% là người DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm. Nhiều lớp đào tạo nghề đạt hiệu quả tích cực, như: tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện tăng từ 32,5% (năm 2010) lên 66,7% (năm 2022).
Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động. Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Theo thống kê, sau đào tạo đã có trên 80% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện còn gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động, chủ động liên kết, kết nối với Trung tâm GDNN-GDTX huyện; Trường cao đẳng nghề KT-CN Tuyên Quang; Công ty cổ phần may mặc Yên Sơn… tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm.
Sau đào tạo, hàng nghìn lao động trên địa bàn đã được tuyển dụng vào làm việc và tìm được việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp, với mức thu nhập ổn định. Trong đó, Công ty cổ phần may mặc Yên Sơn hàng năm đào tạo và tuyển dụng từ 150-200 lao động. Hiện, Công ty đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Công ty cũng hỗ trợ dạy nghề may miễn phí cho người lao động và tuyển thêm những học viên vào làm việc tại nhà máy với mức lương cơ bản ban đầu từ 3 - 3,5 triệu/tháng và thưởng thêm theo số lượng sản phẩm vượt kế hoạch.
Với mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 72% vào năm 2025, huyện Yên Sơn tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề để tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn các xã thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề, hỗ trợ sản xuất, tín dụng, tạo điều kiện cho người lao động phát triển sản xuất bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...