Được thưởng thức một điệu múa do các thành viên trong CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn biểu diễn, chúng tôi lại càng cảm nhận được tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa truyền thống của người Mông nơi đây. Chị Vàng Thị Hoa, Chủ nhiệm CLB cho biết, hiện CLB có 15 thành viên ở nhiều lứa tuổi, có chung niềm đam mê múa, hát theo tiếng khèn Mông. CLB sinh hoạt 1 tháng 2 buổi tại nhà văn hóa thôn. Đến đây mọi người tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình, học các làn điệu múa như: Múa khèn, đàn môi, múa sênh tiền, múa mừng xuân mới; các làn điệu dân ca Mông, học thêu thùa trang phục truyền thống của dân tộc Mông.
Ông Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa dân tộc huyện Yên Sơn, xây dựng con người phát triển toàn diện", UBND huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong đó có kế hoạch khôi phục và xây dựng hoạt động các làng văn hóa như: Làng văn hóa của người Cao Lan, xã Chân Sơn; chợ phiên Nà Ho, xã Trung Sơn, chợ phiên các xã Trung Minh, Hùng Lợi, Kim Quan, Đạo Viện, Tân Tiến… Bên cạnh đó các dân tộc Yên Sơn còn có rất nhiều lễ hội trong năm, điển hình cho phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống mang những nét đặc sắc riêng có của đồng bào các DTTS tại địa phương.
Hàng năm vào các dịp Lễ, Tết, UBND huyện Yên Sơn đã tổ chức các hoạt động như Ngày hội Văn hoá, Thể thao các dân tộc và Đêm hội Trung thu, Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Mông... Các hoạt động này đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến xem và cổ vũ. Đồng thời, huyện cũng thành lập 16 CLB bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc với trên 1.000 thành viên tham gia.
Trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã Chân Sơn đã đặt mục tiêu xây dựng thôn Động Sơn thành thôn điển hình mang đậm bản sắc văn hóa của người Cao Lan gắn với khai thác, phát huy hệ thống thắng cảnh của khu vực này phục vụ phát triển du lịch. UBND xã đã tích cực, vận động Nhân dân thôn Động Sơn làm du lịch Homestay, tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Đặc biệt, trong dịp Lễ hội Thành Tuyên diễn ra vào trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm, du khách đến với thôn Động Sơn sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được tận mắt xem nghi thức tắm lửa của đồng bào Cao Lan; bơi mảng trên hồ Ngòi Là, tham gia các môn thể thao, dân vũ, thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa Cao Lan...
Chị Đào Thị Thảo My, du khách đến từ Quảng Ninh đã rất xúc động và hào hứng khi được trực tiếp tận mắt chứng kiến người dân nơi đây biểu diễn những làn điệu hát Then, đàn tính, xem phụ nữ Mông thêu trang phục truyền thống... Chị cùng những người bạn đã mua cho mình vài bộ trang phục dân tộc Mông, Tày để làm kỷ niệm, sử dụng chụp ảnh check- in với bạn bè vào các dịp lễ hội, ngày tết...
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, UBND huyện Yên Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng loại hình, sản phẩm du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái, như: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Mimosa xã Nhữ Khê, Nhữ Hán; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng xã Mỹ Bằng; đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch phù hợp với thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, huyện đã chủ động kết hợp công tác bảo tồn các giá trị văn hoá với phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng để góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số.