Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi sắc nông thôn mới ở Yên Sơn

Hoàng Thanh - 19:22, 30/01/2023

Khép lại năm 2022, với nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả này là nền tảng để Yên Sơn phát triển và ngày càng khởi sắc trong những năm tiếp theo.

Chè là sản phẩm OCOP nổi tiếng của xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn
Chè là sản phẩm OCOP nổi tiếng của xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn

Nông thôn thêm mới

Sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2021, trong năm 2022, xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn) tập trung tối đa nguồn lực, trí lực để xây dựng NTM kiểu mẫu, chú trọng tổ chức sản xuất dựa trên tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp của xã. Theo thống kê, toàn xã hiện có hơn 670 ha chè, trong đó có khoảng 200 ha sản xuất theo mô hình VietGAP.

Theo ông Hoàng Đức Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bằng, từ tiềm năng này, Mỹ Bằng đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, chính thức lên sàn thương mại điện tử Postmart quốc gia. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt các tiêu chuẩn để giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, xã còn có sản phẩm “Chè Bát Tiên Mỹ Bằng” của HTX Nông lâm nghiệp xã Mỹ Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu. “Chè Bát Tiên Mỹ Bằng” đã vươn ra, chinh phục thị trường Nhật Bản với những hợp đồng đặt hàng lên đến hàng tỷ đồng.

Nhờ có hướng đi đúng, gắn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, nhóm tiêu chí về mức sống, thu nhập của xã Mỹ Bằng đã được nâng lên cao hơn. Đến thời điểm này, xã có trên 90% nhà ở kiên cố; thu nhập bình quân năm 2021 của người dân đạt 46,5 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2022 dự kiến đạt 51,7 triệu đồng/người/năm. Mỹ Bằng đặc biệt chú trọng phát triển nông thôn xanh - sạch - đẹp, với tỷ lệ thu gom và xử lý lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của xã đạt trên 95%. Hết năm 2022, Mỹ Bằng đã đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu về tổ chức sản xuất theo kế hoạch đề ra.

Mỹ Bằng là xã thứ hai của huyện Yên Sơn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; trước đó, trong tháng 8/2022, xã Thái Bình của huyện cũng đã “về đích”. Đặc biệt, Thái Bình là xã đầu tiên của Tuyên Quang đạt chuẩn NTM nâng cao (năm 2020) và cũng là địa phương đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của tỉnh. Tại thời điểm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 55,64 triệu đồng/người/năm, trên địa bàn không còn hộ nghèo.

Nhân dân thôn 7, xã Thái Bình đóng góp ngày công hoàn thành lắp đặt kênh mương nội đồng
Nhân dân thôn 7, xã Thái Bình đóng góp ngày công hoàn thành lắp đặt kênh mương nội đồng

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thái Bình, Mỹ Bằng là những “lá cờ đầu”, góp phần thúc đẩy quyết tâm xây dựng NTM cho các địa phương trên địa bàn huyện. Số liệu đưa ra tại hội nghị của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Yên Sơn diễn ra ngày 8/12/2022 cho thấy, hiện toàn huyện có 14 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 2 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu.

Theo ông Nguyễn Hữu Phương - Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, qua rà soát đánh giá theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, đến hết năm 2022, toàn huyện đạt 15,10 tiêu chí/xã; số tiêu chí duy trì 411/411 tiêu chí, đạt 100%; tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện năm 2022 đạt gần 1.439 tỷ đồng. Đây là nền tảng để năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM (Chiêu Yên, Xuân Vân), xã Phúc Ninh đạt chuẩn xã NTM nâng cao; phấn đấu đạt 16 tiêu chí/ xã.

Những thành tựu trong xây dựng NTM là một trong những “trụ đỡ” quan trọng để huyện Yên Sơn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2022, huyện dự kiến đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,84% (giảm từ 25,37% xuống 20,33% theo chuẩn giai đoạn 2022 - 2025), thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Sơn tiếp tục duy trì với 8.506 ha lúa, 2.466 ha chè và 6.458 ha cây ăn quả các loại. Toàn huyện đã xây dựng được 13 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới (11 giống lúa, 1 mô hình ngô và 1 mô hình dưa chuột); duy trì và phát triển đàn bò trên 8.830 con, đàn trâu trên 13.590; đàn lợn trên 113.120 con, tận dụng 854 ha diện tích mặt nước ao, hồ để nuôi cá.

Theo ông Phạm Ninh Thái - Bí thư Huyện ủy Yên Sơn, Yên Sơn là huyện cửa ngõ của Tp. Tuyên Quang, với nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận và nỗ lực phấn đấu của Nhân dân, huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025; thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, đề án chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong lĩnh vực “tam nông”, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong xây dựng NTM, huyện duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 14 xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 16 xã, 5 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Việc thúc đẩy phát triển “tam nông” sẽ góp phần mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 47,9 triệu đồng/năm; giảm 3,8% hộ nghèo trong năm Quý Mão.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.