Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tuyên Quang: Sản xuất hữu cơ – Hướng đi mới hiệu quả của các HTX nông nghiệp

Nhật Minh - 12:23, 17/10/2022

Với lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, nhiều Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa bảo đảm thu nhập cho thành viên và người dân vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo môi trường sinh thái…

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã chuyển sang sản xuất chè hữu cơ với giá bán đạt 600.000/kg
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã chuyển sang sản xuất chè hữu cơ với giá bán đạt 600.000/kg

Tháng 8/2018, HTX Trái cây hữu cơ Phúc Ninh (huyện Yên Sơn) được thành lập với 12 hộ gia đình tham gia. Bởi đây là mô hình mới, nên khi mới thành lập, người dân còn đứng ngoài nghe ngóng tình hình xem có hiệu quả không. Tuy nhiên sau 1 năm đi vào hoạt động, thấy mô hình hữu cơ cho chất lượng quả cao hơn, giảm chi phí vật tư phân bón, thuốc BVTV, lại bảo vệ sức khỏe người trồng nên đã có thêm 5 hộ xin tham gia.

Anh Tạ Hữu Quang, Giám đốc HTX cho biết, tham gia HTX các hộ nông dân được tư vấn sản xuất về sản phẩm nông nghiệp sạch; cùng đồng hành liên kết kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Riêng gia đình anh có 13 ha diện tích cây ăn quả trồng theo mô hình hữu chuyển đổi, trong đó 3 ha cho thu hoạch, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng..

Tương tự, đầu năm 2019, huyện Sơn Dương lựa chọn 3 ha chè từ 5 đến 7 tuổi của HTX Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Giống chè tham gia mô hình là chè Trung du và chè lai NDP1. Các diện tích chè chăm sóc theo quy trình hữu cơ được tái thiết đất trong 2 năm sử dụng phân vi sinh, để loại bỏ tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Sau 2 năm triển khai thực hiện, diện tích được cấp chứng chỉ sản xuất hữu cơ.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) chia sẻ, tính ưu việt của sản xuất chè theo quy trình hữu cơ, là tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Vì vậy, với 2 ha chè của gia đình chăm sóc theo quy trình hữu cơ, dù năng suất giảm 30% so với chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè hữu cơ mỗi lứa thu được 20 kg chè khô, giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, chè VietGAP chỉ bán với giá 250.000 đồng/kg.

Không chỉ có 2 mô hình HTX kể trên, hiện nay, rất nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, nhằm giải quyết bài toán nâng cao giá trị sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường như: HTX dịch vụ Phong Lưu (xã Yên Phú), HTX sản xuất thương mại Quỳnh Nhi (phường Nông Tiến), HTX chè hữu cơ Ngân Sơn (xã Trung Long) HTX chè hữu cơ Sơn Trà (xã Hồng Thái); Tổ hợp tác chăn nuôi gà Tân Tạo (TP Tuyên Quang), HTX Đồng Tiến (Lâm Bình), HTX chè Pà Thẻn (Chiêm Hóa)...

Sự khác biệt rõ nhất giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất an toàn hay sản xuất thông thường, là ở quy trình sản xuất: Sản xuất hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ. Trong đó, ngay cả sản xuất theo phương pháp an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chính vì vậy, nếu so về chất lượng và lợi ích môi trường, thì sản xuất hữu cơ vẫn bảo đảm bền vững hơn.

Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang cho rằng, sản xuất nông nghiệp tỉnh đang đi theo hướng hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh, điển hình như vùng bưởi, cam, chè... Sản phẩm cam sành đã 2 lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong danh sách Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn... 

Bên cạnh đó, đất đai, môi trường sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bị ô nhiễm nặng do quá trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học là điều kiện để người dân trong tỉnh chuyển đổi mô hình sản xuất hữu cơ.

Những đồi rau bắp cải, su hào của HTX Tân Hợp (thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang) được bà con chăm sóc theo hướng hữu cơ, tự nhiên
Những đồi rau bắp cải, su hào của HTX Tân Hợp (thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang) được bà con chăm sóc theo hướng hữu cơ, tự nhiên

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh Tuyên quang có 21 ha chè hữu cơ, 33 ha cam hữu cơ và 57 ha bưởi hữu cơ, đây là nền tảng để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang hỗ trợ người nông dân, tổ hợp tác, HTX chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ hướng tới các sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng, bảo vệ môi trường... để đưa các sản phẩm nông sản tỉnh vươn xa hơn.

Với mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; hỗ trợ các THT, HTX, doanh nghiệp triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường...

Đồng thời, với việc sản xuất hữu cơ đang là xu hướng tất yếu, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng đang hỗ trợ người nông dân, tổ hợp tác, HTX chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường... để đưa nông sản tỉnh vươn xa hơn.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.