Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS ở Nghệ An: Đào tạo nghề sát với nhu cầu, điều kiện thực tế (Bài 3)

Thanh Hải - 15:00, 29/10/2023

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An về việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), địa phương đã đặt ra mục tiêu 52% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm ở xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ
Tư vấn hướng nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm ở xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ

Mở lớp dạy nghề nhưng... không có người học

Mặc dù còn nhiều hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề, thiếu việc làm… nhưng lại có một thực tế là, nhiều lớp học nghề tại một số địa phương ở Nghệ An khó thu hút được học viên dẫn tới “bể” giáo án. Câu chuyện ở huyện Quỳ Hợp là một ví dụ trong số đó.

Năm 2022, tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu thực hiện đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 cho huyện Quỳ Hợp, là hơn 1,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Theo đó, huyện đã mở được 8 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, và dưới 3 tháng cho người lao động thuộc diện thụ hưởng chính sách, với kinh phí dự toán gần 800 triệu đồng. Đến nay, 8 lớp đã hoàn thành 100% chương trình học, tổ chức thi tốt nghiệp và cấp chứng chỉ cho học viên.

Tuy nhiên, có tình trạng là mở lớp dạy nghề nhưng lại không có học viên theo học. Ông Lương Văn Thanh, Phó phòng Lao động, Thương bình và Xã hội (LĐTB&XH) Quỳ Hợp khẳng định: Ở xã Liên Hợp, có mở 1 lớp chăn nuôi thú y, nhưng sau đó phải khép lại vì người lao động bỏ đi bóc vỏ keo hết, không có người học.Thậm chí, có những xã không có người đăng ký học nghề dù các hội đã vào cuộc tuyên truyền, vận động rất nhiều.

Rồi ông này lí giải: Đào tạo nghề dưới 3 tháng rất khó khăn vì người lao động không mặn mà học. Nhiều lao động chỉ dành thời gian nhàn rỗi lúc mưa gió hoặc buổi tối để đi học. Còn lại họ bỏ đi làm thuê như bóc vỏ keo, thợ xây… kiếm mỗi ngày 300 ngàn đồng. Bà con so sánh thu nhập trước mắt cao hơn, trong khi đi học nghề chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng tiền ăn mỗi ngày.

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn miền núi đang là vấn đề đặc biệt quan tâm. Trong ảnh bà con vùng miền núi sơ chế quả bo bo
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn miền núi đang là vấn đề đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Người dân miền núi sơ chế quả bo bo

Qua tìm hiểu tại một số địa phương, việc đào tạo nghề hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn tới khó thu hút lao động nông thôn tham gia học. Đó là, chất lượng đội ngũ giáo viên còn chưa ngang tầm, tình trạng dạy chay, học chay chưa được chấm dứt.

 Bên cạnh đó, công tác điều tra khảo sát thị trường lao động trong nước và nước ngoài để tiến tới “đào tạo theo địa chỉ”, đang là vấn đề lớn đặt ra, đòi hỏi việc đào tạo nghề cho người lao động phải đổi mới toàn diện các khâu tuyển sinh, đào tạo, gắn quá trình đào tạo nghề… Mặt khác, tình trạng lao động sau học nghề khó sống được với nghề, cũng là thách thức không nhỏ trong khâu tuyển sinh…

Nỗ lực để người lao động có nghề

Thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ trong năm 2022, là hơn 29 tỷ đồng; năm 2023, là hơn 79 tỷ đồng. Nguồn lực đáng kể này đang được các địa phương thuộc diện được thụ hưởng kỳ vọng công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp nghề được triển khai có hiệu quả hơn.

Để triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch 171 ngày 11/3/2022, trong đó có đặt ra mục tiêu 52% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, các cấp các ngành trên địa bàn các huyện vùng DTTS và miền núi Nghệ An đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm đầy quyết tâm cao. Đặc biệt, việc đào tạo nghề được tổ chức linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế và đặc thù vùng sinh sống của người dân.

Kỳ Sơn là huyện nghèo bậc nhất tỉnh Nghệ An, với 19/21 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 54,36% và hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 15,98%. Đây cũng là huyện có số lượng lao động trong độ tuổi đông, tỷ lệ lao động đi làm ăn xa quê rất lớn… nên nhu cầu về việc làm ổn định tại chỗ để có thu nhập, nâng cao đời sống càng trở nên bức thiết hơn.

Đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn vùng miền núi đang được các cấp ngành chú trọng
Đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn vùng miền núi đang được các cấp ngành chú trọng

Từ thực tế này, hằng năm, ngay từ đầu năm UBND huyện đã kịp thời xây dựng, ban hành các kế hoạch triển khai và giao chỉ tiêu cụ thể về giải quyết việc làm cho các xã, thị trấn. Trong năm 2020 và 2022, huyện đã tổ chức 34 lớp tập huấn tuyên truyền, tư vấn về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tại các xã, với 3.824 lượt Nhân dân và người lao động tại các bản tham gia. 

UBND các xã, thị trấn cũng đã thực hiện tốt việc lồng ghép, tổ chức trên 600 buổi tuyên truyền về các chính sách giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho trên 54.884 lượt người dân, người lao động tại địa phương. Huyện cũng đã kết nối, giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp, tổ chức hội chợ việc làm để tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn phấn khởi thông tin: Từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã kết nối giới thiệu việc làm cho 3.220 lượt lao động ở các tỉnh phía Nam. Cũng trong giai đoạn này, toàn huyện có 256 lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở các nước Đài Loan, Nhật bản… Nhờ thế, đời sống của một bộ phận người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Điều rất đáng chú ý, nhiều huyện đã đưa vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào Nghị quyết Đảng bộ.Từ Nghị quyết, các địa phương đã xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, đề án về thu hút đầu tư, tạo việc làm và xuất khẩu lao động gắn với đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn.

 Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính hỗ trợ của Trung ương và địa phương trong công tác tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động; hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động cũng đặc biệt được quan tâm.

Tham gia Hội chợ, người lao động được nhà tuyển dụng các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm theo năng lực, tay nghề
Tham gia Hội chợ, người lao động được nhà tuyển dụng các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm theo năng lực, tay nghề

Như ở huyện Quỳ Hợp, Lãnh đạo huyện chia sẻ, hằng năm, thường xuyên có trên 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, được Sở LĐ,TB&XH tỉnh giới thiệu đến huyện Quỳ Hợp để tham gia tuyển chọn lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Từ nguồn kinh phí thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, trong năm 2022, huyện đã phối hợp giới thiệu tổ chức được 12 phiên giao dịch việc làm tại các cụm xã, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động, do vậy tỷ lệ lao động có việc làm mới và ổn định ngày càng nhiều.

Ông Lương Văn Điệp, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quế Phong thông tin: Chúng tôi đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức ngày Hội kết nối việc làm. Ngoài ra, còn tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm lưu động đến các xã, thị trấn, cung cấp hơn 10.000 vị trí việc làm để người lao động lựa chọn. 

"Huyện rất chú trọng công tác lồng ghép dạy nghề gắn với giải quyết việc làm qua xuất khẩu lao động. Từ những nỗ lực đó, năm 2022, huyện Quế Phong đã giải quyết việc làm mới cho 1.539 người, đạt 118% so với kế hoạch của tỉnh giao"./.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.