Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chi Lăng (Lạng Sơn): "Trao cần câu" để đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững

Văn Hoa - 04:20, 12/08/2023

Thời gian qua, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt, các lớp dạy nghề đều theo nhu cầu thực tế của người dân địa phương, nên đã phát huy hiệu quả sau đào tạo nghề, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Đồng chí Trần Thanh Nhàn (thứ 2 từ trái sang), Bí thư Huyện ủy Chi Lăng kiểm tra việc tiêu thu na trên địa bàn.
Bà Trần Thanh Nhàn (thứ 2 từ trái sang), Bí thư Huyện ủy Chi Lăng kiểm tra việc tiêu thụ na trên địa bàn.

Quan tâm đào tạo nghề cho hộ nghèo

Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010-2020 của huyện Chi Lăng, huyện đã tổ chức được 107 lớp dạy các nghề về sửa chữa máy nông nghiệp, kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo nhu cầu học nghề của nông dân các địa phương.

Trong gần 4.000 lao động đăng kí học nghề, có hơn 600 lao động thuộc hộ nghèo và 480 học viên thuộc hộ cận nghèo. Sau khi được học nghề, nhiều học viên đã áp dụng rất tốt kiến thức, kĩ năng vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất...để vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Chi Lăng xấp xỉ 3% mỗi năm.

Điển hình như trường hợp anh Mai Thành Tâm, thôn Thạch Lương, xã Y Tịch. Trước đây gia đình anh thuộc hộ nghèo. Sau khi được xã tổ chức lớp học nghề trồng và chăm sóc cây na, gia đình anh Tâm đã tích cực trồng và áp dụng kĩ thuật đúng quy trình. Hiện, gia đình trồng được gần 800 cây na, cho thu nhập ổn định nên thoát nghèo.

Thông qua việc đào tạo nghề đã giúp bà con huyện Chi Lăng, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nghề ổn định, nâng cao thu nhập, cia thiện đời sống
Thông qua việc đào tạo nghề đã giúp người dân huyện Chi Lăng, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nghề ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống

Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua được huyện rất quan tâm, chỉ đạo các địa phương triển khai bài bản. Do đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đã có gần 4000 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong số đó, huyện rất quan tâm đến người lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đến thời điểm hiện nay, tỉ lệ các hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo chiếm gần 40% trên tổng số lao động đã được đào tạo.

Trao "cần câu"

 Có mặt tại UBND xã Vân An đúng dịp Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Chi Lăng tổ chức khai giảng lớp dạy nghề chăn nuôi gia cầm cho 35 lao động thuộc đối tượng Chương trình MTQG 1719. 

Được biết, việc học nghề nuôi gia cầm xuất phát từ nguyện vọng của các học viên. Theo đó, các học viên được tham gia 38 buổi học về cả lý thuyết và thực hành chăn nuôi gia cầm theo phương thức cầm tay chỉ việc.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện đã khai giảng được 6 lớp dạy nghề cho hơn 200 lao động nông thôn, trong đó có 3 lớp dạy nghề trồng na ở các xã Vạn Linh, Hòa Bình và Thượng Cường; 1 lớp chăn nuôi Trâu bò ở xã Bằng Hữu; 1 lớp chăn nuôi lợn ở xã Chiến Thắng và 1 lớp chăn nuôi gia cầm ở xã Vân An. Trong đó có 96 học viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Chị Hoàng Thị Thanh, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Chi Lăng hướng dẫn pha chế thuốc thú y cho học viên. (Ảnh TL)
Chị Hoàng Thị Thanh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chi Lăng hướng dẫn pha chế thuốc thú y cho học viên. (Ảnh TL)

Ông Mai Xuân Thảo, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Chi Lăng cho biết, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn các xã, thị trấn triển khai khảo sát nhu cầu đào tạo nghề ở từng địa phương, để từ đó xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng theo từng mã ngành nghề khác nhau, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong quá trình đào tạo nghề, chúng tôi cũng chú trọng tới việc nâng cao chất lượng giáo trình, bài giảng để học viên dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế sản xuất, phát triển kinh tế.

Song song với việc đào tạo nghề, UBND huyện Chi Lăng còn quan tâm hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Theo đó, năm 2022, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 47 hộ mua sắm nông cụ, máy móc, tổng số tiền 470 triệu đồng. Tính đến tháng 6 năm 2023, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc cho 75 hộ, với số tiền 750 triệu đồng.

Hiện nay, huyện Chi Lăng vẫn còn tới 1.643 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều mới), gần 1.400 hộ cận nghèo và hơn 700 hộ mới thoát nghèo. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có ý nghĩa đặc biệt, giúp các hộ có thêm cơ hội về kiến thức, việc làm, tự lực vươn lên, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.