Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thái Nguyên: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Khánh Sơn - 15:50, 21/08/2023

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 3, Dự án 5 (Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, tư duy làm kinh tế của người lao động có nhiều thay đổi, bà con đã mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giới thiệu sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên.
Giới thiệu sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên.

Hiệu quả bước đầu

Từng là một trong những hộ dân phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà ở xóm Thái Chi, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, trước đây, chị Nông Thị Huệ gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ thuật chăm sóc đàn gà. Được tham gia lớp dạy nghề do huyện Định Hóa tổ chức, nắm được quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, chị Huệ đã có cơ sở để phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Chị Huệ chia sẻ: Trước đây, việc chăn nuôi gà của gia đình tôi dựa vào kinh nghiệm là chính, gà chậm lớn, tỷ lệ chết cao, có lứa chỉ hòa, thậm chí lỗ vốn. Qua lớp học do huyện tổ chức, tôi nắm được quy trình, kĩ thuật chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh ở gà nên chăn nuôi thu lãi khá.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong việc phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua huyện Định Hóa đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và đạt những kết quả bước đầu. Việc đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm đạt trên 1.100 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 100 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều); thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/người/năm...

Theo ông Đào Phương Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa: Do nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hiện nay rất lớn nên thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người dân, phân loại đối tượng để dạy nghề, đào tạo nghề gắn với thị trường và nhu cầu thực tế của người lao động.

Thực tế đã chứng minh, sau khi được đào tạo nghề, tư duy làm kinh tế của người lao động có nhiều thay đổi, bà con đã mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử như trường hợp ông Miêu Văn Tân, xóm Táo, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương. Sau khi tham gia lớp chăn nuôi thú y do Hội Nông dân xã tổ chức, ông Tân đã đầu tư chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa. Thời gian gần đây, gia đình ông nuôi thường xuyên hơn 6.000 con gà/lứa, đạt sản lượng cả năm gần 50 tấn, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm.

Cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trên mô hình đo lường điện đa năng.
Cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trên mô hình đo lường điện đa năng.

Tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ông Hà Việt Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Võ Nhai cho biết: Bên cạnh đào tạo nghề tập trung, Trung tâm tổ chức các lớp dạy nghề lưu động tại xã, xóm… Lao động học nghề được trang bị đầy đủ kiến thức theo ngành nghề đào tạo; được trực tiếp thực hành, vận dụng vào sản xuất. Đồng thời, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Riêng năm 2022, Trung tâm đã đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề thường xuyên cho 275 lao động nông thôn trên địa bàn toàn huyện.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Những năm gần đây, các cơ sở này đều chấp hành nghiêm túc công tác tuyển sinh và đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Từ đó, góp phần tích cực trong công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thực hiện Tiểu dự án 3, Chương trình MTQG 1719 (Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi), trong năm 2022, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 885 người. Đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm cấp xã; cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho 512 người lao động, trong đó kết nối việc làm thành công cho 95 người. Tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 70 cán bộ, giáo viên cán bộ quản lý, người dạy nghề. Rà soát, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo 2 nghề trình độ trung cấp và 10 nghề trình độ sơ cấp để cập nhật các kiến thức mới, phù hợp với nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động. Hỗ trợ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa mua sắm thiết bị đào tạo nghề trị giá 242 triệu đồng góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại các đơn vị.

Đồng thời, tổ chức 18 cuộc tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề cho học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu tìm việc làm và người dân tại cộng đồng; Tổ chức 7 cuộc đi tham quan, thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp cho 232 học viên; tổ chức 6 chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh DTTS tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 1 cuộc điều tra, khảo sát, nhu cầu đào tạo, việc làm tại các doanh nghiệp với 3.648 người tham gia. Tổ chức Tuần cao điểm kết nối Cung - Cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023 với các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, việc làm; tư vấn thông tin tuyển sinh, tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các Hội thảo với chủ đề: “Tư duy và nhận thức mới cho thanh thiếu niên DTTS trong việc chọn ngành, chọn nghề”; “Các mô hình, giải pháp giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp của thanh niên DTTS tỉnh Thái Nguyên” và “Các mô hình, giải pháp giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp của thanh niên DTTS tỉnh Thái Nguyên”.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.