Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Yên Bái đẩy mạnh phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Nâng cao trách nhiệm cộng đồng (Bài 2)

Văn Hoa - 17:51, 29/11/2023

Nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, góp phần giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG 1719. Nhờ đó đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng DTTS, đặc biệt là các cán bộ, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Có dịp tham dự Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình tại huyện Mù Cang Chải do Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tổ chức, tôi đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị cùng các cán bộ, công chức xã, công chức theo dõi công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các xã; về những khó khăn, cách tuyên truyền hay, hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Vàng A Rùa tập huấn kĩ năng vận động tuyên truyền cho Người có uy tín về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Vàng A Rùa tập huấn kĩ năng vận động tuyên truyền cho Người có uy tín về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Tham dự buổi tập huấn, chị Mùa Thị Xua, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) xã Nậm Có vui mừng kể với chúng tôi, những năm trước đây tảo hôn nhiều lắm, có năm 5-6 trường hợp, gần đây đã giảm đáng kể. Theo chị Xua, thời gian qua, Hội LHPN xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, cho các đối tượng trong độ tuổi, đến từng nhà, họp thôn, tại các nhà trường THCS, tuyên truyền các buổi văn hóa, văn nghệ bằng hình thức sân khấu hóa, các tiểu phẩm, tuyên truyền về các chế tài xử phạt vi phạm….

Tại các buổi truyền thông có đầy đủ các ban ngành đoàn thể gồm: Hội LHPN, đoàn thanh niên, Tư pháp xã, nếu đúng vào các cuộc họp ở bản, thì sẽ lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản và sẽ có cán bộ Y tế đi cùng để tuyên truyền.

Nếu phát hiện các trường hợp sắp tảo hôn, Hội LHPN xã sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong xã, trong thôn đến tận từng nhà để tuyên truyền, phổ biến. Nếu vẫn cố tình vi phạm thì xử lý theo quy định. Ở xã hiện nay chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính 1-3 triệu đồng.

Ông Đỗ Ngọc Đức - Trưởng Phòng Chính sách - Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái) tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kĩ năng truyền thông vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên dân số tại huyện Mù Căng Chải
Ông Đỗ Ngọc Đức - Trưởng Phòng Chính sách - Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái) tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kĩ năng truyền thông vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên dân số tại huyện Mù Căng Chải

Nhờ đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn đã giảm dần từng năm, không có trường hợp hôn nhân cận huyết. Năm 2022, xã Nậm Có có 2 trường hợp, 1 trường hợp nam 19 tuổi, 1 trường hợp nữ 17 tuổi; năm 2023 chưa phát hiện trường hợp nào.

Theo chị Xua, để giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT, chỉ có việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Những buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình do Ban Dân tộc tổ chức rất bổ ích, giúp chị và các tuyên truyền viên có thêm kĩ năng, kiến thức để tuyên truyền, vận động Nhân dân ở thôn, bản của mình.

Bà Lầu Thị Dủ, dân tộc Mông, thôn Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Căng Chải cho biết, nhờ có cán bộ thôn, xã đến tuyên truyền, bà đã biết tảo hôn là vi phạm pháp luật. Do đó, bà thường xuyên dặn dò các con, cháu của mình phải kết hôn đúng độ tuổi.

Không khó để bắt gặp những bé gái dù nhỏ tuổi nhưng đã sinh 1 -2 con (Ảnh chụp tại xã Kim Nọi, huyện Mù Căng Chải, tháng 9 năm 2023)
Không khó để bắt gặp những bé gái dù nhỏ tuổi nhưng đã sinh 1 -2 con (Ảnh chụp tại xã Kim Nọi, huyện Mù Căng Chải, tháng 9 năm 2023)

Nâng cao ý thức cộng đồng

Tham gia phối hợp tuyên truyền tại các Hội nghị cùng Ban dân tộc tỉnh Yên Bái, bà Ngô Thị Ngọc Lâm, Phó Trưởng phòng Phổ biến GDPL, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái cho rằng, để cho các học viên hứng thú với các buổi tuyên truyền thì báo cáo viên cần đưa ra các tình huống, hình ảnh, câu hỏi trắc nghiệm và chia sẻ các câu chuyện thực tế về luật Hôn nhân và gia đình và các quy định về xử lý vi phạm hành chính và chế tài xử phạt hình sự về hôn nhân và gia đình; để người dân tự nâng cao về ý thức, sự hiểu biết của mình. Từ đó, họ có thêm kiến thức, kĩ năng trong phổ biến, tuyên truyền trên địa bàn của họ.

“Nhiều trường hợp khi xử phạt về tảo hôn nói là sẽ không biết về quy định này, do đó, một số xã của huyện Văn Chấn đã triển khai, đề nghị người dân kí biên bản trong các buổi tuyên truyền, khi có vi phạm thì sẽ xử phạt theo đúng quy định. Do vậy, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân là vô cùng quan trọng”. Bà Ngô Thị Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái

Theo ông Đỗ Ngọc Đức, Trưởng Phòng Chính sách - Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái) cho biết, năm 2023, thực hiện Tiểu dự án 2 về Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã tổ chức 1 chuyến tham quan học tập tại Cao Bằng, Hà Giang cho 55 đại biểu, thành phần; 4 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình cho 221 đại biểu.

Tại các Hội nghị tập huấn, Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, như Sở Y tế, Sở Tư pháp phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình; xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; hỏi đáp pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình, TH-HNCHT; quan điểm chủ trương, chính sách về công tác dân số của Trung ương, của tỉnh; thực trạng công tác dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay; mục tiêu, giải pháp thực hiện chỉ tiêu giảm sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025… Qua đó, giúp cho các học viên có kiến thức và kỹ năng trong công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT ngay tại cơ sở.

Một buổi tập huấn sôi động về kĩ năng tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS
Một buổi tập huấn sôi động về kĩ năng tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái còn triển khai in ấn tài liệu tờ rơi, tờ gấp phát miễn phí cho đồng bào DTTS; in ấn pano, áp phích treo tại các nơi dễ nhìn, có đông người qua lại với các nội dung tác hại, hậu quả của TH-HNCHT, các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình… 

Có thể thấy rằng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể, đặc biệt là công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, người dân, đặc biệt là người DTTS. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể, góp phần nâng cao thể trạng, chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS tỉnh Yên Bái nói riêng, nguôn nhân lực Việt Nam nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.