Hướng đi trên vùng đất “khát”
Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi, đang mùa khô hạn, chúng tôi lên xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương. Đất dưới chân thì nứt nẻ, phồng rộp, nhưng dõi mắt nhìn xa lại là màu xanh mướt của rừng trẩu đang mùa lên lá, rừng thông mã vĩ úp lên ngọn núi Tu Pa sừng sững. Dưới thung sâu, sông Chảy hiền hòa với dòng nước trong xanh, mềm như một dải lụa.
Tả Gia Khâu lâu nay được ví như “Trường Sa trên cạn” bởi nơi đây quanh năm thiếu nước. Ở đây, nước sinh hoạt đã khó, nước phục vụ sản xuất còn khó gấp bội, chủ yếu dựa vào “ông trời”.
Cũng vì thế, đã một thời gian dài, người dân nơi đây trồng cây gì, nuôi con gì cũng đều thất bại. Loay hoay mãi rồi cấp ủy đảng, chính quyền mới tìm được con bò làm vật nuôi chủ lực.
Chúng tôi đến thôn Lao Tô để gặp gia đình anh Giàng Pao Sửu, một trong những hộ thoát nghèo vươn lên khá giả từ chăn nuôi bò. Vợ chồng anh Sửu đang lấy rơm khô làm thức ăn cho đàn bò nhốt trong chuồng trại khá kiên cố, lợp mái ngói xi măng.
Anh Sửu bảo, trời rét nên không thả bò sớm mà lấy rơm khô làm thức ăn dự trữ cho bò ăn để nó không bị đói, không bị rét vì sương muối, dễ sinh bệnh, chậm lớn.
“Trên này không có nước chỉ nuôi bò được thôi, nhà mình bây giờ có gần chục con bò, mỗi năm bán vài con cũng có một khoản tiền rồi. Ở đây gần huyện Si Ma Cai có chợ trâu, bò lớn nhất miền Bắc nên có bao nhiêu bò cũng bán được hết”, anh Sửu tâm sự.
Không chỉ gia đình anh Sửu mà người dân ở 8/8 thôn bản của xã Tả Gia Khâu đã và đang giúp nhau chuyển hướng từ canh tác nương rẫy sang chăn nuôi bò. Toàn xã, hiện có gần 800 con bò sinh sản và bò thịt, giúp đồng bào xóa nghèo nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Đức Luân, Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu cho biết: Một trong những yếu tố góp phần giảm nghèo cho Tả Gia Khâu là nhờ chăn nuôi bò. Chỉ tính riêng năm 2019, xã đã có 142 hộ thoát nghèo. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ với đặc thù của xã khi mà trên 95% người dân sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp trong điều kiện hết sức khắc nghiệt.
Sông “bồi” thu nhập
Rời Tả Gia Khâu khô khát, theo dòng sông Chảy, chúng tôi xuôi về xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Địa hình nơi đây đã bớt hiểm trở, dòng chảy hiền hòa hơn, nên người dân đã khai thác lợi thế của dòng sông chảy qua địa bàn để nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè.
Gia đình anh Bồng Văn Tuyến ở thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng trên dòng sông Chảy. Hiện bình quân mỗi năm, gia đình anh thu về khoảng gần trăm triệu đồng từ bán cá thương phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Mô hình nuôi cá lồng trên sông Chảy đang là một trong những hướng đi hiệu quả cho bà con nông dân. Hiện trên địa bàn huyện đã có 135 lồng cá của bà con đang nuôi ở dòng sông Chảy, tạo thêm ngành nghề mới cho đồng bào Mông, Dao sinh sống ở hai bên bờ.
Đến huyện Bảo Yên, điểm cuối cùng của sông Chảy qua địa bàn tỉnh Lào Cai trước khi chuyển nguồn thủy năng vào lòng hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái). Tại đây, với địa hình tương đối bằng phẳng, dòng nước ngày đêm bồi đắp phù sa cho đôi bờ, người dân đã tận dụng các bãi bồi, diện tích thường xuyên bị úng ngập để trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao.
Những năm trước, với hơn 1 mẫu đất sản xuất ven sông của gia đình, ông Hà Chí Thanh, ở bản Cóc, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên chủ yếu trồng ngô và đậu tương. Từ 2017, ông Thanh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất này sang trồng dâu nuôi tằm.
“Nếu như những năm trước đây trồng ngô thì mỗi năm cũng chỉ cho thu khoảng 18 triệu đồng, ấy là những năm thời tiết thuận lợi. Còn bây giờ trồng dâu nuôi tằm thì cho thu nhập cao gấp nhiều lần”, ông Thanh cho biết.
Con nước vẫn ngày đêm chảy về xuôi và những người nông dân sinh sống ven đôi bờ sông cũng vậy, dù điều kiện khắc nghiệt đến đâu thì ở đó, với bản chất cần cù chịu khó, họ vẫn ngày đêm tìm tòi, đưa các giống cây, con mới vào nuôi trồng với mục tiêu nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.