Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn của nhà nông

Làm giàu từ nuôi cá lồng trên sông Gianh

PV - 21:44, 30/01/2018

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng dọc bờ sông Gianh, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đang phát triển khá mạnh. Nuôi cá lồng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn nơi đây. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, người nuôi cá đang rất cần những những chính sách hỗ trợ về tín dụng, khoa học, kỹ thuật...

Lồng nuôi cá xuất hiện ngày càng nhiều trên sông Gianh. Lồng nuôi cá xuất hiện ngày càng nhiều trên sông Gianh.

Nuôi cá lồng là phương thức nuôi cá dựa vào lợi thế thiên nhiên có sẵn của các dòng sông, vừa tiết kiệm được chi phí đào ao, vừa tận dụng dòng chảy để lưu thông nước và nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong dòng nước. Dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi này nhiều hộ dân các xã ven sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa đã đầu tư để nuôi cá lồng trên sông. Nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ mô hình này.

Anh Mai Ngọc An, thôn Đạm Thủy 3, xã Thạch Hóa là một trong những hộ đang nuôi cá lồng trên sông Gianh, cho biết: Nuôi cá lồng có thu nhập hơn chăn nuôi bò, lợn, vì thức ăn của cá có sẵn trong tự nhiên như cỏ, rong, rêu, lá chuối... Nếu nhà có điều kiện cho ăn thêm cám, bột ngô thì cá nhanh phát triển và sớm cho thu hoạch hơn.

Số vốn đầu tư làm lồng và thả khoảng 300 con cá giống, chỉ hết khoảng 50 triệu đồng, sau khi thu hoạch trừ chi phí, người dân thu lãi mỗi lồng khoảng 15 triệu đồng/năm.

Người dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn để phát triển mô hình nuôi cá lồng. Người dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn để phát triển mô hình nuôi cá lồng.

 

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đóng lồng để nuôi cá. Đến nay, đã có 75 lồng được nhân dân đưa vào khai thác; trung bình mỗi lồng cá cho lãi ròng từ 15 đến 20 triệu đồng/năm.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa, hiện nay trên toàn huyện có gần 300 lồng nuôi cá dọc bờ sông Gianh, tập trung chủ yếu tại xã Châu Hóa (75 lồng), Tiến Hóa (61 lồng), Thạch Hóa (40 lồng), Đồng Hóa (25 lồng)…

Để nâng cao giá trị chăn nuôi cho người dân, năm 2014, Phòng Nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình lồng nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên sông Gianh tại xã Châu Hóa và nuôi trong ao đất tại xã Sơn Hóa để thí điểm. Qua quá trình nuôi, cá sinh trưởng và phát triển nhanh, không bị bệnh và cho hiệu quả rất tốt.

Ông Hoàng Văn Minh, thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa là một trong những hộ triển khai mô hình trên, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của ngành Nông nghiệp huyện, gia đình đã đầu tư hơn 20 triệu đồng làm lồng nuôi thử nghiệm cá lăng chấm. Qua một một thời gian nuôi, tỷ lệ cá sống trên 80%, trọng lượng bình quân 3kg/con.

Theo ông Minh, với tỷ lệ sống và mức tăng trưởng cao, giá bán tốt, sau khi trừ chi phí đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với loài cá trắm cỏ truyền thống.

Có thể nói, nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh đã mang lại thu nhập đáng kể cho người nuôi cá của huyện Tuyên Hóa. Thế nhưng, theo đánh giá của một số cơ quan chuyên ngành huyện, thì mô hình nói trên vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế mà dòng sông Gianh mang lại, do gặp phải khó khăn lớn nhất là nguồn vốn.

Theo người nuôi cá lồng, để đầu tư một lồng nuôi cá cũng phải mất tầm 20 triệu đồng, đóng thuyền nhỏ đi lấy thức ăn cho cá thêm 20 triệu đồng/thuyền, cộng thêm chi phí mua cá giống nữa thì người dân phải đầu tư tới 50 triệu đồng mới có được một lồng cá.

Hiện, người nuôi cá thường vay của người thân, bạn bè, chứ chưa có chương trình vay vốn nào của Nhà nước hỗ trợ, nên số lượng lồng nuôi chưa phát triển nhiều mặc dù đầu ra của cá khá ổn định.

Bên cạnh đó do địa phương nằm trong rốn của mưa bão và lũ lụt, nên người nuôi cá phải chịu nhiều rủi ro, nếu bà con không có các phương án chuẩn bị kỹ, lũ có thể cuốn trôi mất lồng cá, mất cả vốn lẫn lãi.

Một vấn đề khác, thời gian gần đây, việc khai thác cát trái phép trên sông cũng làm cho môi trường nước bị ô nhiễm khiến cá chậm lớn…

Vì vậy, để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh người dân rất cần sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, các tổ chức tín dụng, các cấp chính quyền, các nhà khoa học và doanh nghiệp trên địa bàn.

MINH THỨ - THANH HOA

Tin cùng chuyên mục
Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V, năm 2024 sẽ diễn ra vào đầu tháng 10

Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V, năm 2024 sẽ diễn ra vào đầu tháng 10

Để kịp thời đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024.