Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Xuất khẩu lao động: Một giải pháp để thoát nghèo

PV - 09:02, 05/04/2018

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đặc biệt có những chính sách ưu tiên cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình DTTS có điều kiện XKLĐ để thoát nghèo.

Trà Ôn là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đây cũng là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với hơn 4.600 hộ, chiếm 12,42%, trong đó hộ nghèo chủ yếu do thiếu tư liệu sản xuất. Mặc dù được khuyến khích tham gia XKLĐ, nhưng do nhận thức của đồng bào về lĩnh vực này còn hạn chế và chi phí để tham gia XKLĐ khá lớn, nên người lao động không dám đăng ký tham gia.

Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Thạch Bê làm từ tiền tích lũy XKLĐ của con trai. Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Thạch Bê làm từ tiền tích lũy XKLĐ của con trai.

 

Nắm bắt được thực tế này, các ban, ngành đoàn thể đã tuyên truyền rộng rãi cho đồng bào nắm được chủ trương và chính sách hỗ trợ người tham gia XKLĐ của tỉnh, qua đó đã có nhiều hộ đồng bào Khmer cho con mình tham gia.

Riêng trong năm 2017, đã có 399 người tham gia. Thông qua Chương trình XKLĐ, không ít hộ nghèo, đời sống khó khăn đã vươn lên khá giàu. Ông Trần Quốc Điện, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trà Ôn cho biết: Hiện trên địa bàn có 2 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer là Trà Côn và Tân Mỹ có tỷ lệ hộ nghèo cao, theo kế hoạch 2018, sẽ có 40 người của 2 xã này tham gia XKLĐ.

Anh Thạch Sa Khương, 23 tuổi, ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ chia sẻ: “Thời gian qua, dù có nhiều chính sách chăm lo cho hộ gia đình DTTS, nhưng điều kiện kinh tế của gia đình vẫn không khá lên nổi. Sau khi nghiên cứu về XKLĐ em đăng ký và trúng tuyển đi làm việc tại Nhật trong tháng 4 này. Theo đơn hàng ngành xây dựng cầu đường, với thời gian học ngoại ngữ và huấn luyện tại địa phương, em hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của công việc, có thu nhập cao. Trước là để trả nợ ngân hàng đã hỗ trợ chi phí ban đầu cho việc XKLĐ và phụ giúp cha mẹ thoát nghèo, tạo dựng được sinh kế bền vững sau này”.

Còn anh Nguyễn Trường Giang, con của thương binh Nguyễn Văn Tám, sau khi đi XKLĐ sang Nhật trở về nước, Giang được được một nghiệp đoàn của Nhật, có cơ sở sản xuất ở Việt Nam tiếp tục nhận vào làm việc. Ông Tám phấn khởi chia sẻ: Trước đây, gia đình khó khăn, nhà 6 miệng ăn, chỉ có 4 công ruộng nên thiếu trước hụt sau. Mấy năm nay, nhờ 2 đứa con trai đi XKLĐ mà gia đình trả hết nợ, thoát khỏi cảnh nghèo. Đặc biệt, nhờ số vốn tích lũy sau khi XKLĐ của cháu Giang, gia đình vừa đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nước đóng chai hơn 1 tỷ đồng.

Cùng niềm vui có con đi XKLĐ mà gia đình thoát nghèo, gia đình ông Thạch Bê, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đã chuộc lại 7 công ruộng còn mua thêm được 8 công. Ngoài ra, còn xây hai căn nhà liền kề, khang trang cho đại gia đình. Trong ngôi nhà mới khang trang ông Bê kể: Gia đình thuộc hộ nghèo, có 7 đứa con và 7 công ruộng. Làm không đủ ăn rồi bệnh tật đủ thứ phải cầm cố hết ruộng cho người ta, mãi đến khi hai con là Thạch Văn và Thạch Văn Duyên đi XKLĐ về mới hết trả hết nợ, rồi làm nhà và dư chút ít.

Ông Thạch Dương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết: Vài năm trở lại đây, đã có nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tận dụng vay vốn lãi suất thấp để đưa con đi XKLĐ. Bà con ưa chuộng nhất là thị trường Nhật Bản.

Trong quý I/2018 Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Vĩnh Long đã giải ngân cho 22 thực tập sinh đi XKLĐ, có nhu cầu vay vốn với 1,8 tỷ đồng, nhờ vậy mà nhiều hộ khó khăn trước đây không có khả năng trang trải chi phí XKLĐ thì nay đã thuận lợi hơn.

Theo tính toán của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, lao động xuất khẩu sang Nhật có thu nhập bình quân khoảng 600-800 triệu/năm, chưa tính thời gian làm thêm giờ thu nhập gấp 4 lần. Ngoài ra, từ nguồn thu của lao động này đã mang về cho địa phương một khoản ngoại tệ đáng kể, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

N. TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái: Đồng hành cùng người dân vượt qua hậu quả bão lũ

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái: Đồng hành cùng người dân vượt qua hậu quả bão lũ

Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) với những đợt mưa to, lũ lớn diễn ra từ ngày 07 - 11/9 vừa qua. Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, để sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.