Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng thương hiệu cho nông sản vùng miền núi: Lợi ích “kép”

Thành Nhân - 10:55, 06/03/2020

Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của vùng miền núi tỉnh Phú Yên. Việc người dân hiểu được giá trị của thương hiệu nông sản là yếu tố quan trọng để đưa phương thức sản xuất thô sơ, manh mún sang quy mô hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần nâng cao giá trị nông sản theo chuỗi giá trị.

Heo đen Sông Hinh đã có “thương hiệu”, được nhiều người ưa chuộng
Heo đen Sông Hinh đã có “thương hiệu”, được nhiều người ưa chuộng

Trên thực tế, nhiều sản phẩm ở các địa phương miền núi của tỉnh Phú Yên do mới bắt đầu xây dựng thương hiệu nên còn sơ sài, cần sự hỗ trợ của các cấp để nâng tầm thương hiệu nông sản. Trước mắt, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là kênh quan trọng để đồng hành với các hộ dân miền núi.

Hiện, 3 huyện miền núi của tỉnh có 8 sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP, gồm: Bò một nắng, mắm thơm của huyện Sơn Hòa; dệt thổ cẩm, mây tre đan, đậu phộng của huyện Đồng Xuân; heo đen, du lịch sinh thái thác H’Ly, du lịch sinh thái buôn Lê Diêm của huyện Sông Hinh.

Theo chị La Lan Thị Mến ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), thổ cẩm của đồng bào Ba Na ở huyện Đồng Xuân luôn thu hút khách thập phương. Trong nhà đồng bào Ba Na, hễ có con gái lớn là phải có khung dệt. 

Nuôi heo đen trong các hộ đồng bào ở huyện Sông Hinh cũng đã trở thành sản phẩm làng nghề truyền thống. Theo ông Ma Gen ở xã Ea Lâm, ở đây nhà nào cũng có ít nhất 1 - 2 con heo đen. Ngày trước, bà con quen thả rông, heo tự vô rừng, rẫy tìm thức ăn rồi sinh sản. Chúng nhớ đường thì tìm về, còn không thì đi mất. Nay được hướng dẫn làm chuồng trại nuôi heo, bà con cũng giữ gìn vệ sinh chung.

Bên cạnh những sản phẩm đã được địa phương chọn làm sản phẩm OCOP tiêu biểu, ở Phú Yên vẫn còn những đặc sản tuy được biết tới từ rất lâu, nhưng chưa có thương hiệu như gạo lúa đỏ, cây ăn trái… Gạo lúa đỏ hay còn gọi là lúa rẫy được trồng tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và các xã miền núi An Thọ, An Lĩnh, An Xuân của huyện Tuy An.

Theo bà Nguyễn Thị Thuyên, ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An), năm nào bà cũng làm 5 sào lúa gạo đỏ. Bà bán 20.000 đồng/kg, cao hơn lúa thường trung bình 9.000 đồng/kg, mà không đủ bán. 

“Có thương hiệu có thể bán khắp cả nước rồi xuất khẩu nước ngoài; lúc ấy mức giá có thể đạt 40.000 - 50.000 đồng/kg thì bà con mừng lắm”, bà Thuyên nói.

Còn tại xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng thương hiệu độc quyền đối với sản phẩm dầu đậu phộng do các hộ dân nơi đây sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thơ ở xã Xuân Phước, chia sẻ: Trước đây, bà cũng như nhiều người dân trong xã nghĩ đơn giản là mình làm ra sản phẩm tốt ắt sẽ có người tìm tới mua, còn nhãn mác chỉ là “cái áo” bên ngoài. 

“Khi thấy thực tế nhiều nông sản ở các xã khác nhờ có thương hiệu mà được xuất khẩu, được bán trong siêu thị, khách cứ tìm tới mua mà không phải nhọc công giới thiệu. Từ đó, tôi mong sản phẩm dầu đậu phộng của xã có thương hiệu để bà con bán được nhiều hơn”, bà Thơ cho biết.

Đánh giá về những lợi ích trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, chia sẻ: Khi có thương hiệu độc quyền, các nông sản này sẽ trở thành sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, được tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại và đủ điều kiện có mặt trong các siêu thị và nhà hàng, khách sạn. Các doanh nghiệp theo đó sẽ tới hợp tác bao tiêu. Từ đây không những giá trị của nông sản tăng mà sản lượng tiêu thụ cũng được nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.