Cao Bằng có khoảng 150.000ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, diện tích cây trồng chính gần 90.000ha, chủ yếu là cây lương thực; nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, đặc hữu mà các địa phương khác không có hoặc nếu có thì chất lượng khác hẳn.
Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi, bởi đa số diện tích đất canh tác chưa bị ảnh hưởng bởi các chất hóa học độc hại do con người tạo ra trong quá trình canh tác. Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đang phát triển hiệu quả, hứa hẹn trở thành thế mạnh của địa phương.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có doanh nghiệp bao tiêu và đã thu được những kết quả tích cực, như mô hình như liên kết doanh nghiệp và nông dân trồng gừng hữu cơ tại huyện Hà Quảng, trồng rau an toàn tại 2 huyện Thạch An, Hà An.
Điển hình, năm 2018, tại huyện Hà Quảng có khoảng 1.000 hộ trồng 80 ha gừng, tập trung tại 4 xã Cải Viên, Vân An, Nội Thôn, Lũng Nặm, với năng suất khoảng 20 tấn/ha, giá thu mua từ 5.000 đến 6.500 đồng/kg. Huyện đã phối hợp và liên kết với Công ty DACE, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung bao tiêu chuỗi giá trị gừng trâu, nghệ đỏ tại các xã trên địa bàn. Nhờ đó mà cây gừng mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Minh chứng như, gia đình anh Hứa Văn Dùng, xóm Lũng Rẩu, xã Vân An, trước đây chỉ trồng ngô, đỗ tương. Từ năm 2018, anh bắt đầu trồng gừng theo hướng hữu cơ trên mảnh đất rộng 3.000m2. Anh Dùng cho biết, do được học kỹ thuật canh tác mới, đồng thời huyện còn ký hợp đồng với doanh nghiệp, có đầu ra, giá thu mua ổn định nên anh yên tâm sản xuất, thu nhập năm 2018 đạt 100 triệu đồng.
Được cán bộ Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ dân ở Cao Bằng đã vượt qua tâm lý lo ngại về đầu ra, tham gia học hỏi kỹ thuật, áp dụng sản xuất.
Người dân bắt đầu thay đổi tư duy, thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học bằng cách sử dụng phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh chăm bón cây trồng. Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể.
Từ thực tế cho thấy, nông sản hữu cơ đang ngày càng chiếm được lòng tin đối với người tiêu dùng trên thị trường, không chỉ ở trong nước, mà cả thế giới cũng đang tăng nhanh… Tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ là rất lớn. Đây là cơ hội, hướng đi mới rất quan trọng cho phát triển kinh tế nông nghiệp của Cao Bằng nói riêng và các tỉnh khác nói chung. Tuy nhiên hiện nay, việc sản xuất nông sản hữu cơ vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đa dạng và đồng đều, việc kiểm soát chất lượng nông sản còn nhiều khó khăn…
Để tạo bước chuyển biến tích cực cho nông dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông sản hữu cơ, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch phát triển và xây dựng các mô hình kinh tế đồng thời có giải pháp phù hợp với thực tế từng vùng…