Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ý tưởng nâng giá trị nông sản của học sinh DTTS

Nghĩa Hiệp - 10:57, 21/10/2019

Với mong muốn nâng tầm giá trị nông sản địa phương, nhóm học sinh DTTS của Trường THPT Lộc Bình (Lạng Sơn) đã nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm từ khoai. Ý tưởng của nhóm đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Gian hàng của nhóm học sinh Trường THPT Lộc Bình tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp học sinh, sinh viên năm 2019 tỉnh Lạng Sơn.
Gian hàng của nhóm học sinh Trường THPT Lộc Bình tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp học sinh, sinh viên năm 2019 tỉnh Lạng Sơn.

Khoai lang Lộc Bình từ lâu đã là sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, lâu nay người dân trên địa bàn huyện chỉ bán sản phẩm thô, chưa quan tâm tới việc chế biến. Nhận thấy khoai có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng chưa được khai thác hết, nhóm học sinh của Trường THPT Lộc Bình, gồm các em: Vi Thị Lan, Lê Thị Hiền, Vi Thị Thảo Anh, Vi Thị Hồng Nhung, Lành Thanh Tùng, đã bắt tay thực hiện ý tưởng xây dựng và phát triển thương hiệu một số món ăn chế biến từ khoai lang huyện Lộc Bình.

Em Vi Thị Lan, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Mỗi năm, nhìn thấy sản lượng khoai nhiều nhưng có lúc người dân không bán hết, phải đổ rẻ cho thương lái, chúng em đã nghĩ ra ý tưởng nâng tầm giá trị nông sản cho quê hương mình”.

Để thực hiện ý tưởng, nhóm đã lên kế hoạch, tìm nguồn nguyên liệu, nghiên cứu sách ẩm thực, học cách chế biến các món ăn từ khoai và nhiều lần thử nghiệm. Thời gian đầu, khó khăn lớn nhất đối với nhóm là về vốn và nguồn nguyên liệu.

“Trong quá trình thực hiện ý tưởng, chúng em được nhà trường cùng hội cha mẹ học sinh ủng hộ đến 40 triệu đồng. Số tiền đó chúng em dùng để mua nguyên liệu nghiên cứu, chế tạo sản phẩm và tham gia các cuộc thi”, em Lành Thanh Tùng chia sẻ.

Trên địa bàn huyện Lộc Bình hiện có 3 loại khoai chính: Khoai nghệ, khoai tím và khoai hoàng long. Khoai nghệ là khoai được nhóm đánh giá là phù hợp để chế biến các món ăn, bởi độ ngọt vừa phải và kết cấu ổn định, dễ chế biến.

Tính đến nay, đã có hơn 10 sản phẩm từ khoai lang được nhóm chế biến và bán ra thị trường, phù hợp với nhiều lứa tuổi, như: Miến khoai lang, bánh khoai lang, mứt khoai lang dâu tây, trà sữa khoai lang, khoai lang nhân tôm thịt, khoai lang kén, khoai lang sấy… Sản phẩm do nhóm làm ra được chia làm 2 loại: Loại qua sơ chế để cung cấp cho các nhà hàng và loại chế biến sẵn cung cấp cho khách hàng sử dụng trực tiếp. Các món ăn từ khoai lang được người dân, đặc biệt là học sinh trên địa bàn huyện đón nhận, do hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe và giá thành phù hợp. “Bình quân mỗi tháng lợi nhuận nhóm chúng em thu về trên 25 triệu đồng”, Lành Thanh Tùng cho biết.

Tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp học sinh, sinh viên năm 2019” do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, ý tưởng xây dựng và phát triển thương hiệu một số món ăn chế biến từ khoai lang của nhóm học sinh huyện Lộc Bình xuất sắc giành giải Nhì và lọt vào top 18 cuộc thi SV startup do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; giải Ba cuộc thi Techfest khu vực Đông Bắc bộ, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. 

Tính đến nay, đã có hơn 10 sản phẩm từ khoai lang được nhóm chế biến và bán ra thị trường, phù hợp với nhiều lứa tuổi, như: Miến khoai lang, bánh khoai lang, mứt khoai lang dâu tây, trà sữa khoai lang, khoai lang nhân tôm thịt, khoai lang kén, khoai lang sấy…

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.