Thay đổi diện mạo nông thôn
Làng Hek là một trong 4 làng căn cứ cách mạng của huyện Phú Thiện, có khoảng 100 hộ là đồng bào DTTS, 400 khẩu thì có đến hơn 60% số hộ nghèo. Từ năm 1990, 12 hộ dân với gần 60 khẩu đã tự ý di dời lên định cư trên núi Cheng Leng thuộc địa phận xã H’bông, huyện Chư Sê, chấp nhận cuộc sống biệt lập, thiếu thốn, ốm đau không được chữa bệnh, trẻ em không được đến trường…
Tuy nhiên, 5 năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, làng Hek bây giờ đã được quy hoạch. Khoảng 100 hộ được cấp 600 m2 đất/hộ để xây dựng nhà ở, bố trí rào ngăn nắp bằng lưới và trụ bê tông có cổng, ngõ; người dân được dùng điện, sử dụng nước sạch; phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ, nhà cửa khang trang, thôn làng ấm no.
Ông Kpă Ưiu, Người có uy tín làng Hek, xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) kể: Để vận động dân làng chung sức xây dựng nông thon mới (NTM), ông đã đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng NTM. Đặc biệt, những phần việc cụ thể mà người dân có thể thực hiện trong sinh hoạt, sản xuất để chung tay hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, như chỉnh trang khuôn viên nhà ở, di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, đào hố và thu gom rác thải, cải tại vườn tạp để trồng rau xanh.
"Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng Hek đã cải thiện rõ rệt. Làng đã đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Trong tổng số 116 hộ dân, hiện còn 46 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo", ông Kpă Ưiu thông tin.
Giai đoạn 1 (2017 - 2020), Đảng ủy và chính quyền xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện đã phối hợp, cùng Nhân dân 4 làng: Plei Pông, Plei Trớ, Plei Hek và Kinh Pêng, thực hiện di dời 294 nhà ở theo hướng chỉnh trang theo quy hoạch. Đồng thời, đầu tư các công trình phục vụ dân sinh.
Chính quyền địa phương đã quy hoạch khu dân cư, vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi trồng cây giống mới và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Ông Trần Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai, cho biết: Xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là người dân trong các làng đồng bào DTTS. Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để xây dựng làng NTM, phấn đấu xây dựng xã Chư A Thai đạt chuẩn NTM vào năm 2023.
Tương tự, làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang, có 313 hộ, 100% là người Ba Na. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngôi làng NTM kiểu mẫu của đồng bào DTTS theo Chỉ thị 12, bà con trong làng đã tích cực chung tay cùng với chính quyền địa phương triển khai nhiều nội dung hoạt động, trong đó chú trọng xây dựng đời sống văn hóa mới và nâng cao chất lượng tiêu chí về môi trường, tiêu chí thu nhập của người dân.
Hiện nay, nhà nào cũng có chuồng nuôi nhốt gia súc riêng và tránh xa nhà dân. Những khu vườn tạp được thay thế bằng màu xanh của rau, cây ăn trái. Đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đạt gần 32 triệu đồng/người/năm. Làng Kon Brung được đánh giá là khá nhất trong 5 làng của xã Ayun, đây là tiền đề quan trọng, góp phần đưa Ayun đạt xã NTM kiểu mẫu.
Già làng Đônh, làng Kon Brung, xã Ayun chia sẻ: Mình tuyên truyền cho bà con hiểu ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Mới đầu thì khó, sau này bà con dần dần hiểu và thực hiện theo, nhận thức của bà con dần thay đổi.
Bên cạnh đó, cùng với suy nghĩ muốn buôn làng giàu đẹp trước tiên phải phát triển kinh tế gia đình nên ai nấy đều hăng say lao động, cùng nhau đoàn kết, chăm chỉ làm ăn. Bà con sẵn sàng hiến tiền của, ngày công để địa phương xây dựng mở rộng đường làng, ngõ xóm cũng như xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương.
Có thể thấy, xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS, là động lực quan trọng để nhiều thôn, làng trong tỉnh Gia Lai đổi thay, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào. Đây được đánh giá là chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tỉnh Gia Lai trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Còn đó những khó khăn
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn NTM; thị xã Ayun Pa, An Khê và Tp. Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 125 thôn, làng đạt chuẩn NTM (trong đó có 110 thôn, làng đồng bào DTTS).
Tuy vậy, công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Địa bàn xây dựng NTM rộng, dân cư vùng nông thôn phân tán, xuất phát điểm thấp, người dân còn nghèo, trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu; việc thực hiện liên kết sản xuất chưa tốt, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp; Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung nhiều chỉ tiêu mới và yêu cầu mức đạt chuẩn cao hơn…
Đơn cử, tại huyện Đak Pơ cũng có kế hoạch xây dựng 5 làng NTM trong đồng bào DTTS, với tổng kinh phí đã huy động thực hiện hơn 11,3 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2022. Đến nay, chỉ mới có làng Jun được công nhận đạt chuẩn làng NTM. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Hơn, khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập của người dân còn thấp. Từ thực tế này, dẫn đến việc huy động các nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng làng NTM còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, trong triển khai xây dựng NTM, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên việc tham gia đóng góp vào các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn rất hạn chế. Đặc biệt, các làng đồng bào DTTS hầu hết là làng vùng III, một số ở các xã vùng II, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Trong khi, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vị trí canh tác không thuận lợi, trình độ, năng lực sản xuất còn thấp... đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành các tiêu chí.
Mới đây, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng NTM bền vững ở tỉnh Gia Lai”, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhận định: Xây dựng NTM được xác định, là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM trong thời gian qua chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững, nhất là tại các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Do vậy, các ngành, địa phương tiếp tục chọn những cách làm mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương để bảo đảm xây dựng làng NTM một cách thực chất, đời sống của người dân phải được nâng lên. Trong đó, cần huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở thiết yếu; Đồng thời, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tự giác thay đổi nếp nghĩ, cách làm; phấn đấu từ nay đến năm 2025 có thêm 300 làng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM, đạt 39,75% tổng số làng đồng bào DTTS.